Các nhà điều tra của JIT đến từ Hà Lan, Úc, Malaysia, Bỉ và Ukraine đã xác định được mảnh vỡ trên là ống venturi, tương tự một bộ phận tạo nên hệ thống ống xả xe hơi.
Kết luận sau cùng về vụ MH17 nghi bị tên lửa Buk (do Nga chế tạo) bắn rơi ở miền Đông Ukraine có thể được công bố vào mùa thu này. Trong kết luận đó sẽ nêu rõ bản chất loại vũ khí được sử dụng và địa điểm chính xác được bắn đi.
JIT cũng khẳng định sẽ gửi kết quả cho tòa án bởi hiện tại cuộc điều tra vẫn đang tiến hành và đạt được một số tiến bộ. Trước mắt, họ đã yêu cầu trợ giúp về mặt pháp lý cũng như chờ đợi thông tin từ phía Nga. Nếu cần thiết, một phiên tòa quốc tế sẽ được thiết lập nhằm đưa thủ phạm ra công lý.
Trước đó, Nga dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để bác bỏ việc thiết lập một phiên tòa do Liên Hiệp Quốc (LHQ) hậu thuẫn. Moscow cho rằng còn “quá sớm” để đưa thảm kịch ra xét xử.
Hồi năm ngoái, báo cáo của Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) chỉ ra rằng MH17 bị tên lửa Buk bắn hạ nhưng không nói ai đứng sau vụ tấn công. Chủ tịch DSB Djibbe Joustra tiết lộ vào thời điểm đó, hiện trường rơi máy bay do phe ly khai Ukraine kiểm soát.
Các chuyên gia đang tập hợp mảnh vỡ ở căn cứ không quân Gilze-Rijen (Hà Lan). Họ cũng tới hiện trường để thu thập mẫu đất từ các khu vực nghi phóng tên lửa hồi năm ngoái.
Chiếc MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bay từ Amsterdam - Hà Lan đến Kuala Lumpur - Malaysia “bị bắn rơi” vào ngày 17-7-2014, giết chết toàn bộ 298 người trên khoang. Chưa rõ đây là hành động cố ý hay chỉ là một tai nạn.
Một số gia đình các nạn nhân đang kiện Nga và Tổng thống Vladimir Putin ra Tòa án Nhân quyền châu Âu.