Hôm 11/11, trả lời phỏng vấn hãng tin địa phương TT của Thụy Điển, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết nước này sẽ không cho phép NATO bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
"Việc cấm vũ khí hạt nhân trên đất Thụy Điển vẫn là quan điểm lâu dài của đảng Ôn hòa. Chúng tôi chưa bao giờ có ý định thay đổi các điều kiện đã nhất quán trước đó", Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói.
Khoảng 40 tàu chiến NATO đã tới thủ đô Stockholm của Thụy Điển để chuẩn bị tham gia cuộc tập trận Baltops 22 ở biển Baltic hồi tháng 6. (Ảnh: Getty)
Hồi tháng 9, Quốc hội Thụy Điển đã bầu lãnh đạo đảng Ôn hòa, ông Ulf Kristersson, làm Thủ tướng mới của nước này, sau nhiều năm đảng Dân chủ Xã hội nắm quyền ở quốc gia Bắc Âu này.
Tuần trước, Tư lệnh tối cao lục quân Thuỵ Điển Micael Byden nói rằng Stockholm không nên nêu vẫn đề NATO sử dụng lãnh thổ của mình trước khi hoàn tất việc gia nhập khối, cũng như từ chối liên minh đặt vũ khí huỷ diệt ở nước này.
Quan điểm của Tư lệnh tối cao lục quân Thuỵ Điển gây ra sự phản đối kịch liệt từ đảng Dân chủ Xã hội. Theo đó, đảng này yêu cầu một lời giải thích về việc chính phủ mới từ bỏ cam kết không lưu trữ vũ khí nguyên tử.
Ngoại trưởng Tobias Billstrom thừa nhận Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO mà không có điều kiện tiên quyết, nhấn mạnh Stockholm phải được chấp thuận là thành viên trước khi đề cập với liên minh quân sự NATO về những gì có thể và không thể làm trên đất của mình.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Tobias Billstrom cũng khẳng định Thụy Điển sẽ theo bước các thành viên NATO là Na Uy và Đan Mạch trong việc cấm vũ khí hạt nhân.
Đầu tháng này, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết ông để ngỏ khả năng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này một khi Thụy Điển trở thành thành viên NATO. Ông cho rằng vấn đề này có thể được đàm phán sau.
Các nước láng giềng Bắc Âu của Thuỵ Điển là Đan Mạch và Na Uy, vốn đã là thành viên NATO, đều từ chối cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự lâu dài hoặc vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của hai nước trong thời bình.