Thương vụ Nga - Ấn "rẽ ngoặt" bàn cờ vũ khí châu Á

Quý Hoàng |

Nam Á và Đông Nam Á đang sử dụng các thương vụ để giành được quyền tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Các thiết bị quân sự từ thời Liên Xô của Ấn Độ sẽ sớm có một nguồn phụ tùng thay thế mới: từ chính Ấn Độ.

Tại Vladivostok vào ngày 5/9, Ấn Độ và Nga đã kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài về sản xuất linh kiện phụ tùng tại Ấn Độ. Mặc dù không có nhiều chi tiết đã được tiết lộ, một nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết các máy bay chiến đấu như MiG-27 và MiG-29 có khả năng là trọng tâm.

"Thỏa thuận hôm nay [sẽ giúp] hợp tác quốc phòng của chúng tôi có một nền tảng vững chắc về hợp tác sản xuất, vượt ra sự hạn chế của môi trường người bán - người mua," Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu sau khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông hàng năm.

Nga - Ấn là hình mẫu

Pankaj Jha, cựu phó giám đốc Ban thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ và là phó giáo sư tại Đại học Toàn cầu O.P. Jindal cho biết:

"Vấn đề phụ tùng đã là một rắc rối lớn trong mối quan hệ. "Ấn Độ thể hiện rất cởi mở" rằng họ không thể tiếp tục mua phụ tùng từ Moscow, nhưng sẽ mua "nhiều" vũ khí Nga hơn nếu các bộ phận này có thể được mua ngay tại nước họ, Jha nói thêm.

Thương vụ Nga - Ấn rẽ ngoặt bàn cờ vũ khí châu Á - Ảnh 1.

Thỏa thuận Nga - Ấn Độ có thể bao gồm những chiếc MiG. Ảnh: Nikkei.

Ấn Độ không đơn độc trong việc triển khai các chiến lược như vậy. Các chính phủ trên khắp châu Á đã chi tiêu nhiều hơn cho nhập khẩu vũ khí trong những năm gần đây, nhưng hiện đang tìm cách tận dụng sức mua đó để xây dựng các ngành công nghiệp vũ khí trong nước, kiềm chế dòng vốn chảy ra và đảm bảo khả năng tự do hoạt động.

Quy mô chi tiêu quân sự châu Á đã vượt qua châu Âu năm 2009 và đang bám sát Bắc Mỹ, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm. Sự mở rộng nhanh chóng ngân sách của Trung Quốc là một yếu tố chính, nhưng các quốc gia khác cũng đã tăng ngân sách quân sự của họ.

Ấn Độ, ví dụ, đã trở thành nhà chi tiêu lớn thứ tư thế giới về quốc phòng năm 2018, tiêu tốn 66 tỷ USD. Delhi chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Saudi Arabia.

Giờ đây, các nước châu Á đang tìm cách biến những giao dịch mua vũ khí đó thành đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp. Giống như Ấn Độ sẽ tiếp nhận công nghệ máy bay phản lực từ Nga, Malaysia đang tìm cách tiếp thu "bí quyết" từ Trung Quốc.

Nhà máy đóng tàu hải quân Boustead, một công ty đóng tàu của Malaysia, "sẽ đảm nhận việc chuyển giao công nghệ [từ Trung Quốc] thông qua đào tạo và bảo trì các tàu tác chiến ven bờ," Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu nói với Nikkei Asian Review gần đây.

Hải quân Malaysia đang trong quá trình mua sắm bốn tàu tuần tra từ Trung Quốc, hai trong số đó đã được chuyển giao. Những chiếc còn lại sẽ đến "vào tháng 5 và tháng 8 năm 2021", theo Bộ trưởng.

Mặc dù ông không tiết lộ khung thời gian cho việc chuyển giao công nghệ, ông nói rằng Trung Quốc đang "có tiến bộ trong ngành công nghiệp quốc phòng" và Malaysia "nên tận dụng cơ hội hợp tác hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng địa phương của chúng tôi."

Đa dạng và phức tạp tại Đông Nam Á

Chiến thuật để có được công nghệ nước ngoài giữa các nước Đông Nam Á rất khác nhau. Trong khi Malaysia áp dụng cách tiếp cận theo từng thương vụ cụ thể, Indonesia áp dụng chính sách một có tổ chức và mạnh mẽ hơn.

Một quy định được đặt tên là "Luật 16" yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài chuyển giao công nghệ và sử dụng các thiết bị địa phương trị giá ít nhất 85% giá trị hợp đồng. Các đối tác có thể bắt đầu hợp đồng với 35% giá trị, nhưng được yêu cầu tăng tỷ lệ 10% sau mỗi năm năm cho đến khi đạt 85%.

Trong khi đó, Thái Lan có kế hoạch phát triển các đặc khu kinh tế đặc biệt cho ngành công nghiệp quốc phòng, với sự kết hợp giữa đầu tư trong nước và quốc tế. Chính quyền đã không nêu rõ vị trí của các khu vực này, cũng như loại công nghệ họ muốn phát triển, nhưng kế hoạch này cho thấy Bangkok muốn tự sản xuất vũ khí trên chính mảnh đất của mình.

Các chuyên gia nói rằng một số quốc gia có cơ hội tốt hơn trong việc mặc cả lợi ích của các ngành công nghiệp quốc phòng bản địa của họ so với các nước khác.

Laxman Kumar Behera, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi cho biết: "Chúng tôi chi khoảng 10-12 tỷ USD cho việc mua sắm [quốc phòng] mỗi năm. "Không ai có thể bỏ qua thị trường này. Ấn Độ có mọi quyền để tận dụng sức mua đó."

Các nước Đông Nam Á có thể gặp nhiều khó khăn hơn.

Mặc dù 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thỏa thuận hợp tác quốc phòng và cùng nhau nhập khẩu vũ khí nhiều hơn Ấn Độ trong những năm gần đây, nhưng khả năng đàm phán theo lập trường chung của khối còn chưa rõ ràng.

"Các nước ASEAN vẫn còn cách nhau quá xa khi xem xét tới yêu cầu của từng quốc gia và các ưu tiên công nghiệp để có thể nhất trí nhau", Richard A. Bitzinger, một thành viên cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể mở ra một số cánh cửa.

Teuku Rezasyah, một giảng viên và chuyên gia quốc phòng tại Đại học Padjajaran của Indonesia, cho biết các nhà xuất khẩu vũ khí lớn sẽ tiếp cận các nước châu Á để cung cấp công nghệ nhằm đổi lấy mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Rezasyah nhìn thấy một tình huống "tương tự" như cuộc đua giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong những năm 1950 và đầu những năm 1960. Ông nói rằng tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno, đã tìm cách để đảm bảo viện trợ từ Liên Xô, và kết quả là "Indonesia trở thành quốc gia có vũ khí mạnh nhất ở châu Á trong thời kỳ đó".

Cuộc chạy đua ở khu vực này- rõ ràng được thúc đẩy bởi sự không chắc chắn về địa chính trị và tranh chấp đang sôi sục - cũng có thể dẫn đến một số thỏa thuận khó xử.

Một số quốc gia Đông Nam Á đã có ý định mua thêm tàu hải quân kể từ khi Trung Quốc xây dựng một giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa, leo thang căng thẳng lãnh thổ ở Biển Đông. Nhưng như với với Malaysia, những sóng gió như vậy không ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn đối tác cho các giao dịch vũ khí và chuyển nhượng.

Quay trở lại Ấn Độ, các thương vụ vũ khí của Nga đã đánh dấu các bước tiến cho sự phát triển quốc phòng của nước này. Và cuộc chạy đua vũ trang của châu Á nói chung dường như đã đạt được một bước ngoặt, khi các nước mới nổi và các nhà cung cấp của họ vượt ra ngoài các mối quan hệ người mua – người bán đơn giản, như ông Modi nói.

Điều này nói lên những cơ hội mới trong việc đáp ứng nhu cầu hoạt động, kinh tế và chính trị của các quốc gia trong khu vực và những nguy cơ mới trong việc cọ xát chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại