Sự chú ý của quốc tế đang đổ dồn về thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga, nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un công du tới Nga kể từ khi nắm quyền lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Hiện xuất hiện nhiều đồn đoán xoay quanh kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Triều vốn đã được chờ đợi từ rất lâu này.
Theo Hãng tin Tass của Nga, cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên đã bắt đầu chính thức vào lúc 14h10 (giờ địa phương), tức 11h10 giờ Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thống Nga Putin khẳng định, chuyến thăm Nga của Nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ giúp hai nước hiểu nhau hơn để đạt được một giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy mối quan hệ song phương. Ông Putin cũng hoan nghênh những nỗ lực bình thường hóa quan hệ của Triều Tiên với Mỹ.
Về phần mình, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đánh giá cao tầm quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh hôm nay: “Tôi rất vui mừng khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như người dân Nga. Tôi nghĩ cuộc họp sẽ là bước đi quan trọng hữu ích thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị song phương giữa Nga và Triều Tiên. Các bạn cũng thấy, tình hình trên bán đảo Triều Tiên cũng rất phức tạp và cuộc gặp này cũng sẽ rất quan trọng. Tôi hi vọng, Hội nghị thượng đỉnh Nga- Triều Tiên thảo luận nhiều vấn đề sâu rộng, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Chủ đề chính của cuộc gặp ngày hôm nay giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Triều tập trung vào giải quyết hoà bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như bảo đảm an ninh tại khu vực Đông Bắc Á. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo còn bàn thảo về quan hệ song phương, bao gồm hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hoá và nhân đạo. Hội nghị vốn được phía Triều Tiên kỳ vọng sẽ tạo “đòn bẩy” cho cuộc đối thoại song phương với Mỹ. Song liệu lần gặp mặt lần này giữa Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thực sự đem lại những kết quả đột phá cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không hay thì chỉ sau ngày hôm nay mới biết được.
Có điều, một thực tế dễ thấy chuyến thăm Nga lần này là một phần trong nỗ lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhằm xây dựng sự ủng hộ của nước ngoài sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Triều Tiên muốn có được sự hỗ trợ của Nga để giúp họ giảm bớt những khó khăn ở trong nước liên quan tới các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm vào nước này cũng như tìm kiếm sự ủng hộ về chính trị để có một chiến lược đàm phán có thể đảm bảo được những mục tiêu hữu hình cho Bình Nhưỡng.
Về phía Nga, hội nghị thượng đỉnh Putin-Kim sẽ giúp tái khẳng định vị thế quan trọng của Nga trên bán đảo Triều Tiên. Nga từ lâu vẫn ủng hộ việc khôi phục đàm phán 6 bên, coi đó là con đường tốt nhất để đảm bảo sự có mặt của Nga trong bất cứ tiến trình nào có thể giúp thay đổi các động lực của khu vực.
Chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Nga- Triều, giới chức Nga hôm 24/4 tiết lộ Tổng thống Putin đang cân nhắc đề xuất nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên khi ông gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày hôm nay.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Hiện tại không có cơ chế quốc tế hiệu quả nào khác ngoài đàm phán 6 bên để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đó là lý do tại sao khó có thể xóa bỏ cơ chế này. Nhưng mặt khác, cũng cần biết rằng các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng đang được thực hiện bởi nhiều quốc gia khác. Tất cả những nỗ lực này xứng đáng được hỗ trợ nếu họ thực sự theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa”.
Nhiều chuyên gia đều đưa ra nhận định, thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Putin là cơ hội cho cả Triều Tiên và Nga “tối đa hóa lợi ích” của mình. Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù Chủ tịch Kim Jong-un hy vọng cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga có thể đưa ông tới một vòng đàm phán tốt hơn với Mỹ, song thời điểm này không thể đặt kỳ vọng quá cao cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều, vì dẫu sao Moscow cũng chỉ là “một giải pháp tình thế” giữa lúc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ đang bế tắc./.