Một sự phát triển như vậy đặt ra câu hỏi về tham vọng quân sự và hạt nhân của nước này dưới thời Hoàng Thái tử 33 tuổi.
Nếu đi vào hoạt động, nhà máy đang bị nghi ngại này – nằm gần căn cứ tên lửa ở al-Watah, phía tây nam Riyadh, sẽ cho phép Saudi sản xuất tên lửa đạn đạo của riêng mình – điều làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang chống lại đối thủ khu vực Iran.
Saudi hiện không sở hữu vũ khí hạt nhân, do đó, bất kỳ tên lửa nào được sản xuất tại nhà máy rõ ràng chỉ có thể được vũ trang thông thường. Tuy nhiên, một cơ sở chế tạo tên lửa sẽ là một thành phần quan trọng của bất kỳ chương trình vũ khí hạt nhân nào của Saudi, theo giả thuyết cho phép vương quốc sản xuất các hệ thống mang theo đầu đạn hạt nhân.
"Có khả năng rằng Saudi sẽ chế tạo tên lửa tầm xa và tìm kiếm năng lực vũ khí hạt nhân. Chúng tôi nghĩ rằng họ không thể.
Nhưng chúng tôi có thể đánh giá thấp mong muốn và khả năng của họ", theo ông Jeffrey Lewis, chuyên gia vũ khí hạt nhân tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey, người đã phát hiện ra nhà máy cùng với nhóm của mình khi phân tích hình ảnh vệ tinh từ khu vực.
Bất ngờ cơ sở mới tại al- Watah
Hai chuyên gia tên lửa khác đã xem xét các hình ảnh vệ tinh cho tờ Washington Post, Michael Elleman thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế và Joseph S. Bermudez Jr. của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, đã nhất trí rằng các bức ảnh có độ phân giải cao về khu vực al- Watah dường như mô tả một cơ sở sản xuất và thử nghiệm động cơ tên lửa, nơi có thể sử dụng nhiên liệu rắn.
Hình ảnh mô tả về nơi nghi là cơ sở sản xuất tên lửa của Saudi. (Nguồn: Planet Labs)
Các hình ảnh vệ tinh không cho thấy rõ cơ sở trên đã được hoàn thành hoặc có khả năng sản xuất tên lửa hay chưa. Nhưng dù sao, khu phức hợp này cũng cho thấy ý định của quốc gia này trong việc chế tạo tên lửa tiên tiến của riêng mình sau nhiều năm tìm cách mua chúng ở nước ngoài, có thể đang thành công.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Saudi tại Washington từ chối bình luận về bản chất của cơ sở tại căn cứ tên lửa. Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và CIA cũng từ chối bình luận.
Tin tức về sự tồn tại của cơ sở trên diễn ra tại một thời điểm nhạy cảm của Saudi trong quan hệ quốc tế.
Vương quốc này đã thực hiện một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với sức mạnh quân sự dưới thời Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman (MbS), người đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái rằng Saudi sẽ phát triển bom hạt nhân nếu Iran làm như vậy. MbS đã trở thành Bộ trưởng quốc phòng Saudi kể từ năm 2015.
Saudi đã theo đuổi một thỏa thuận nhà máy điện hạt nhân với Hoa Kỳ - điều có thể bao gồm khả năng cho phép nước này sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Sự kiên trì đòi sản xuất nhiên liệu này trong nước đã làm dấy lên lo ngại trong giới quan chức Hoa Kỳ rằng vương quốc này muốn dự án năng lượng nguyên tử không chỉ cho mục đích dân dụng mà còn cho mục đích chế tạo vũ khí bí mật.
Trong khi đó, các cáo buộc Saudi đứng sau vụ nhà báo của Washington Post Khashoggi bị giết hại hồi tháng 10 năm ngoái ở Istanbul đã củng cố sự phản đối đối với thỏa thuận này tại Quốc hội.
Bước đi đầu tiên của Saudi trong việc xây dựng một nhà máy tên lửa đạn đạo sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối với các đối thủ trong khu vực. Nước này phải đối mặt với một Israel được trang bị chương trình hạt nhân và tên lửa tiên tiến và một Iran đang tiếp tục hoàn thiện khả năng của mình để chế tạo tên lửa đạn đạo.
Nếu Iran ngừng tuân thủ các hạn chế của Hiệp ước hạt nhân năm 2015, nhiều nhà phân tích tin rằng nước này có thể đạt được đầu đạn hạt nhân chỉ trong vòng một năm.
Một cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo hữu dụng sẽ cho phép Saudi bắt đầu kết hợp một số khả năng chế tạo tên lửa nội địa mà Iran đã phát triển trong nhiều năm qua.
Sự tồn tại của một căn cứ tên lửa chiến lược của Saudi tại al-Watah lần đầu tiên được công bố vào giữa năm 2013 sau khi Tuần báo quốc phòng Jane công bố hình ảnh vệ tinh của cơ sở quân sự này- nơi bị nghi ngờ là có chứa tên lửa đạn đạo mua ở Trung Quốc.
Nhưng khi Lewis và các đồng nghiệp David Schmerler và Fabian Hinz nhìn vào hình ảnh vệ tinh của al-Watah được chụp bởi Planet Labs gần đây, họ đã phát hiện ra, theo lời của Lewis, đó không còn là căn cứ tên lửa nữa.
Căn cứ vẫn ở đó - với bệ phóng, đường hầm ngầm và các tòa nhà hành chính - nhưng bên kia đường, một cơ sở hoàn toàn mới đã xuất hiện, và nó trông rất giống một nhà máy sản xuất động cơ tên lửa được thiết kế để chế tạo tên lửa đạn đạo, họ nói.
Đồn đoán nguồn cơn từ Trung Quốc
Làm thế nào Saudi có được chuyên môn công nghệ cần thiết để xây dựng cơ sở sản xuất như vậy là chưa rõ ràng. Một nhà cung cấp tiềm năng: Trung Quốc, Lewis nhận định.
Khu vực thử nghiệm động cơ của Saudi, theo Lewis, trông đặc biệt giống kiểu Trung Quốc. Trong khi hầu hết các quốc gia thử nghiệm động cơ tên lửa ngoài trời, ông Lewis nói, Trung Quốc che một phần khu vực thử nghiệm và làm mát tòa nhà thử nghiệm bằng nước để nó không bắt lửa. Tổ hợp thử nghiệm của Saudi dường như sao chép thiết lập đó, ông lưu ý.
Trung Quốc đã bán tên lửa đạn đạo cho Saudi trong quá khứ và đã hỗ trợ năng lực sản xuất tên lửa đạn đạo cho các quốc gia khác. Vào những năm 1990, Pakistan đã bí mật xây dựng một nhà máy tên lửa tầm trung sử dụng đồ án và thiết bị do Trung Quốc cung cấp. Nhà máy ở Pakistan từ lâu đã thu hút sự chú ý của các quan chức hàng đầu của Saudi.
Những gì liên quan, nếu có, từ Trung Quốc hoặc Pakistan trong việc xây dựng cơ sở của Saudi là không rõ ràng. Cũng không rõ loại tên lửa đạn đạo nào mà Saudi đang sản xuất hoặc chuẩn bị sản xuất.
Đại sứ quán Trung Quốc và Pakistan tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Nhà máy này nhỏ hơn so với các quốc gia khác, cho thấy nó có thể có công suất hạn chế, Lewis, Elleman và Bermudez cho biết, và các bức ảnh vệ tinh gần đây không cho thấy bất kỳ chiếc xe nào trong bãi đậu xe tại địa điểm này, làm gia tăng khả năng nhà máy chưa đi vào hoạt động.
Theo truyền thống, Hoa Kỳ thường chính thức tìm cách ngăn chặn sự phát triển của công nghệ tên lửa đạn đạo. Washington tại một thời điểm đã trừng phạt Trung Quốc, ví dụ, vì đã cung cấp các bệ phóng và linh kiện cho Pakistan vào những năm 1990.
"Trong trường hợp bình thường, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để kiềm chế và thuyết phục Saudi không làm điều này", Ell Elleman nói. Hoa Kỳ luôn phản đối việc chuyển giao tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Cách chính mà Hoa Kỳ tìm cách ngăn chặn sự mở rộng của công nghệ máy bay không người lái và tên lửa là thông qua Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa MTCR, một hiệp ước đa quốc gia không chính thức được lập ra để ngăn chặn việc chuyển giao một số công nghệ tên lửa. Trung Quốc không phải là thành viên nhưng đã đồng ý tuân theo một số quy định của nó.
Trong khi bán một loạt vũ khí cho Ả Rập Saudi, Washington đã không bán tên lửa đạn đạo cho Riyadh, một phần vì các tên lửa như vậy theo truyền thống được coi là gây bất ổn cho khu vực. Trong quá khứ, Saudi đã quay sang Trung Quốc khi gặp những lời từ chối từ Hoa Kỳ đối với một số yêu cầu vũ khí nhất định.