Cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Có hai loại cholesterol chính là loại “tốt” và loại “xấu”. Nếu loại xấu tăng nhiều quá hoặc mất cân đối giữa hai loại là nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não...
Thừa cholesterol là nguyên nhân gây các bệnh lý về tim mạch
Thừa cholesterol là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp... trong thời gian gần đây. Cholesterol có từ hai nguồn: do cơ thể tổng hợp và từ thức ăn.
Nguồn từ cơ thể (tổng hợp từ gan và các cơ quan khác) chiếm khoảng 75% tổng số lượng cholestrol trong máu, còn lại từ nguồn thức ăn. Hiện nay, cholesterol chỉ thấy ở trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật. Bên cạnh đó, một thành phần khác của lipid máu cần được quan tâm là triglycerid.
Để hạn chế tình trạng thừa cholesterol, cần có chế độ ăn hợp lý và lối sống tích cực.
LDL-cholesterol (loại xấu): Đây là thành phần được coi là “xấu” của cholesterol, khi lượng LDL này tăng nhiều trong máu dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch.
Mảng xơ vữa này được hình thành dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu, hoặc có thể vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não. LDL cholesterol được coi là một trong những chỉ số quan trọng cần theo dõi khi điều trị. LDL tăng có thể liên quan đến yếu tố gia đình, chế độ ăn, các thói quen có hại như hút thuốc lá/lười vận động hoặc liên quan các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường...
HDL-cholesterol (loại tốt): Loại này chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng số cholesterol trong máu. HDL-cholesterol được cho là loại tốt bởi vì nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, cũng vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu và do vậy, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch trầm trọng khác.
Những nguy cơ làm giảm HDL là hút thuốc lá, thừa cân/béo phì, lười vận động...
Cách gì để đẩy lùi thừa cholesterol?
Để hạn chế tình trạng thừa cholesterol, cần có chế độ ăn hợp lý, trong đó hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như mỡ, bơ, nước luộc thịt. Giảm lượng cholesterol ăn vào xuống dưới 250mg/ngày, bằng cách không ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: óc, bầu dục lợn, trứng gà toàn phần, gan lợn, gan gà, thịt vịt và ngỗng béo (nuôi công nghiệp). Bánh làm từ lòng đỏ trứng và mỡ bão hòa.
Các loại đồ ăn chế biến sẵn nhiều chất béo: xúc xích, salami... Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân.. Các bơ thực vật. Các đồ ăn chiên rán sẵn, đồ ăn nhanh (bao gồm cả mì ăn liền)... Lưu ý, lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol, nhưng lại có nhiều lecithin là một chất điều hòa chuyển hóa cholesterol trong cơ thể. Do đó, ở những người có cholesterol máu cao, không nhất thiết kiêng hẳn trứng mà chỉ nên ăn trứng 1-2 lần/tuần.
Bổ sung chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) vào chế độ ăn uống: Nhóm chất béo không bão hòa như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương...
Ăn nhiều rau quả: 500g/ngày để cung cấp đủ các vitamin, chất khoáng và chất xơ. Nên sử dụng các thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu các chất chống ôxy hóa có thể giảm tới 20-40% nguy cơ bệnh mạch vành. Các thực phẩm chính chọn lựa đưa vào khẩu phần ăn nhằm chống tác dụng ôxy hóa độc hại của các gốc tự do như thức ăn giàu vitamin E: giá đỗ, dầu thực vật, dầu gấc, các sản phẩm chế biến từ gấc, thức ăn giàu beta-caroten: cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ chín, xoài, các loại rau có màu xanh thẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau mồng tơi, rau cải soong...
Thức ăn giàu vitamin C: các loại rau quả nói chung; thức ăn giàu selen: rau ngót, rau muống, rau cải bắp...
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên (đi bộ, đạp xe, bơi lội...). Không hút thuốc, hạn chế rượu bia. Duy trì cân nặng hợp lý. Nồng độ cholesterol máu cao thường không biểu hiện triệu chứng, do đó nên kiểm tra định kỳ, ít nhất 6 tháng 1 lần.