Yêu cầu được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa diễn ra ngày 3/4.
Nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, Thủ tướng cũng cho rằng nguồn lực vật chất trong nhân dân còn rất lớn, làm sao huy động để phục vụ sản xuất kinh doanh. Cần đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất.
Trong 3 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 32% GDP, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (32,2%), như vậy mục tiêu huy động vốn xã hội của chúng ta đặt ra rất quyết liệt nhưng trong quý I cũng chưa là cao.
Yêu cầu tăng cường xử lý nợ xấu để giảm lãi suất cho vay, Thủ tướng nêu rõ nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất. Bởi với tổng dư nợ hơn 5,5 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nếu giảm được 1% lãi suất thì nền kinh tế tiết kiệm được 55.000 tỷ đồng chi phí tài chính.
Cùng với vấn đề ngắn hạn, cần dành nhiều thời gian hơn cho giải quyết vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, chú ý việc phát triển bất động sản đúng hướng.
“Chúng ta nói có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng thực tế ở địa phương, ở xã, phường, cơ sở, còn một bộ phận cán bộ chưa làm tốt việc này, vì vậy chủ trương của chúng ta là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặt yêu cầu trong đẩy mạnh cải cách thể chế”, Thủ tướng nêu rõ. Cải cách, đổi mới thể chế là gốc của sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung dành ưu tiên cao cho công tác xây dựng thể chế, các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác này, kịp thời xây dựng, trình Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ.
Tinh thần là tập trung tháo gỡ vướng mắc cho phát triển bằng thể chế, những vướng mắc thể chế được coi là vòng kim cô với sự phát triển, không thể vì những ràng buộc lạc hậu trong nền kinh tế thị trường mà kìm hãm sự phát triển.
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả kiểm kê đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế.
Được biết trong quý I, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh, có trên 26,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% so với cùng kỳ, đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng, tăng 45,8%.
Một tín hiệu đáng mừng khác là Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng từ mức 54,2 điểm của tháng 2/2017 lên 54,6 điểm trong tháng 3/2017. Điều này cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ sức khỏe trong lĩnh vực sản xuất của nước ta. Đây cũng là mức cao trong 22 tháng qua và cao nhất trong khu vực ASEAN (mức bình quân của ASEAN là 50,9%).