Nước an toàn là quyền cơ bản của con người và cần thiết cho sức khỏe của chúng ta. Dù nước dùng để uống, để sản xuất thực phẩm hay để vệ sinh, nước cũng cần phải sạch. Khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, nguồn nước ngọt mà sự sống của nhân loại dựa vào bị co lại, bị ô nhiễm. Và đó không phải nguồn tài nguyên vô hạn như nhiều người vẫn nghĩ.
Chỉ 3% lượng nước trên trái đất là nước ngọt. Tuy nhiên, hầu hết số đó nằm trong các dòng sông bị đóng băng hay chìm sâu dưới lòng đất. Khi khí hậu biến đổi, tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trở nên dày đặc hơn, nhiệt độ cao hơn và nguồn cung cấp nước ngọt của chúng ta cũng ngày càng ít đi. Đó là chưa kể con người vẫn thường xuyên đầu độc nguồn sống của chính mình bằng đủ các loại rác thải, từ sinh hoạt tới nông nghiệp rồi công nghiệp….
Trong khi đó, dân số con người ngày càng tăng nhanh, khiến lượng nước dùng cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, năng lượng, công nghiệp… ngày một nhiều hơn. Sự khan hiến nước đã buộc nhiều cộng đồng phải di dời, lan tỏa nghèo đói hay thậm chí là cướp đi mạng sống của nhiều người với việc lây truyền các bệnh như tiêu chảy, dịch tả và bại liệt... qua nguồn nước ô nhiễm.
Trong khi một bộ phận nhân loại có thể lấy nước từ vòi, hàng triệu phụ nữ và trẻ em đang phải đi bộ tới 12km mỗi ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để lấy nước. Rõ ràng, đó là mối nguy hại to lớn với sức khỏe của họ.
Nếu bạn không biết 12km mỗi ngày là hành trình thế nào, thì có sẵn một vài ví dụ. Nó tương đương 1/3 chặng đường leo núi Kilimanjaro, Tanzania, 12 lần dạo vòng quanh sân vận động Wembley, Vương quốc Anh, ¼ hành trình chinh phục Machu Picchu, Peru. Ở Việt Nam, quãng đường đó tương đương 7 vòng đi quanh hồ Hoàn Kiếm, với chu vi khoảng 1,7 km.
Thực tế, tình trạng thiếu nước không chỉ xảy ra ở các quốc gia sa mạc ở châu Phi. Ngay tại nước Mỹ, những lòng hồ trơ đáy cũng đang dần trở thành hình ảnh quen thuộc. Trong khi nguồn nước suy giảm, thời tiết cực đoan lại khiến cho nước dễ bốc hơi hơn. Tình trạng ấm lên toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục khiến điều này trở nên tồi tệ.
Trong khi các đô thị lớn không tiếc tiền đầu tư để đa dạng hóa nguồn nước, các cộng đồng dân cư nhỏ, sống ở nông thôn và dựa vào nguồn nước ngầm trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương. Ngay nay, gần 400.000 người sống ở California phụ thuộc vào nguồn nước có thể chứa chất hóa học ô nhiễm. Hạn hán làm nước bay hơi và khiến nồng độ chất có hại ngày càng tăng.
Cách California khoảng 15.000 km, người dân Kenya cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng liên quan tới biến đổi khí hậu. Và cuộc khủng hoảng ở một nước nghèo chắc chắn sẽ tệ hơn rất nhiều so với những gì xảy ra ở một nước giàu. Trong khi đó, có một nghịch lý đang tồn tại: Kenya chỉ đóng góp chưa đến 0,1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu mỗi năm nhưng lại là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu.
Và đó là nghịch lý chung mà tất cả các nước nghèo đang phải chịu đựng.
Nguồn: Tổng hợp