Đám mây cát và bụi bao trùm thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15/4/2021. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Phát biểu họp báo, Phó giám đốc Sở môi trường Bắc Kinh Dư Kiện Hoa cho biết nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại thủ đô của Trung Quốc trong cả năm 2021 ở mức 33 microgam/mét khối (µg/m3), giảm 13% so với năm 2020 và lần đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn ngắn hạn do nước này đề ra là 35 µg/m3.
Bụi mịn PM2.5 với kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người) được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" do những người hít phải bụi mịn trong thời gian dài có thể bị bệnh xơ gan, tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan.
Dù nồng độ 33 µg/m3 vẫn cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5 µg/m3, song ông Dư Kiện Hoa cho rằng đây là minh chứng cho nỗ lực của Bắc Kinh phối hợp với các ban ngành nhằm thực hiện các bước thay đổi theo hướng tích cực trong thập kỷ vừa qua, tiến tới đạt được mục tiêu cải thiện toàn diện chất lượng không khí của thủ đô này. Trong năm 2021, người dân Bắc Kinh đã được hưởng bầu không khí trong lành nhiều hơn gần 4 tháng so với năm 2013.
Trung Quốc "tuyên chiến" với ô nhiễm không khí vào năm 2014 trong bối cảnh gia tăng các đợt khói bụi độc hại tại Bắc Kinh và nhiều địa phương khác. Năm 2015, chính phủ nước này cam kết sẽ tận dụng cơ hội tổ chức Olympic mùa Đông năm 2022 để thúc đẩy các nỗ lực cải thiện môi trường trong nước.
Đến năm 2016, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại Trung Quốc đã giảm xuống mức 71 µg/m3, cho dù thường xuyên cao tới 500 µg/m3 trong những tháng mùa Đông do hệ thống sưởi ấm bằng than hoạt động hầu như hết công suất. Kể từ đó, Bắc Kinh và tỉnh lân cận là Hà Bắc đã nỗ lực chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên sạch hơn, song song với việc trồng thêm nhiều cây xanh. Ngoài ra, chính quyền các tỉnh thành này cũng đã áp đặt các tiêu chuẩn nhiên liệu mới nghiêm ngặt hơn đối với ô tô, đồng thời yêu cầu các nhà máy thép và các cơ sở công nghiệp khác phải lắp đặt thiết bị kiểm soát khí thải.