Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự ở Iraq: Lợi bất cập hại?

Ngọc Thạch |

Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền bắc Iraq, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem như các thành phần khủng bố.

Cuộc tấn công mang tên “Gọng kìm móng vuốt” được thực hiện trên diện rộng, cả trên bộ và trên không, với sự tham gia của máy bay tiêm kích, trực thăng và máy bay không người lái.

Đây không phải chiến dịch quân sự đầu tiên được Thổ Nhĩ Kỳ phát động ở Iraq. Trước đó, nước này cũng từng mở 2 chiến dịch quân sự ở biên giới phía bắc Iraq. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mục tiêu chiến dịch của nước này là đảm bảo an ninh biên giới, thì phía Iraq chỉ trích các chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ là xâm phạm chủ quyền và làm suy yếu an ninh của Iraq. Tổng thư ký Liên đoàn các quốc gia Aboul Gheit cũng lên án các cuộc tấn công này. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Iraq có lợi bất cập hại?

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một chiến dịch quân sự mới xuyên biên giới, sử dụng không quân và lực lượng đặc biệt nhằm vào Đảng Công nhân người Kurd ở miền bắc Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết chiến dịch quân sự nhắm vào các nơi ẩn náu của PKK ở các khu vực Metina, Zab và Avasin Bassian miền bắc Iraq, đồng thời tuyên bố đã tấn công các mục tiêu bao gồm hầm trú ẩn, hang động, đường hầm, kho đạn và các căn cứ của tổ chức khủng bố ở khu vực này.

Chiến dịch này là một trong nhiều chiến dịch mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động nhằm vào Phong trào PKK và lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq trong vòng 2 năm qua. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ coi Phong trào PKK là một tổ chức khủng bố, ẩn náu ở miền bắc Iraq và đã tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới từ đó vào lãnh thổ nước này. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch này để đảm bảo an toàn cho người dân và biên giới nước này. Thứ ba, chiến dịch được phát động sau khi các sinh viên đại học Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tấn công dã man bởi các thành viên của tổ chức "Sói xám", ở thành phố phía nam Kerman của Iran. Thứ tư, hoạt động này bắt đầu sau khi có thông tin cho rằng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang lên kế hoạch tấn công quy mô lớn chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý là hoạt động này được chính quyền khu vực Kurd đồng thuận vì mong muốn hợp tác và hỗ trợ quân sự cho sự ổn định và an ninh ở miền bắc Iraq. Tuy nhiên, điều này lại gây căng thẳng giữa Chính quyền Khu vực Kurd và Đảng Công nhân Kurd (PKK), cũng như quan hệ giữa Ankara và chính quyền Trung ương Iraq ở Baghdad, vốn cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng.

Chiến dịch quân sự liệu có bị đẩy tới lằn ranh đỏ?

Tới thời điểm này, các bên đang có sự kiềm chế nhất định và chưa có những dấu hiệu của sự leo thang thành một cuộc chiến quy mô. Trước các hoạt động quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Iraq nói rằng các hoạt động này đe dọa an ninh quốc gia và vi phạm chủ quyền của Iraq, nhấn mạnh rằng việc lặp lại các hoạt động này là không thể chấp nhận. Iraq từ chối trở thành một đấu trường cho các cuộc xung đột hay dàn xếp các cho các bên bên ngoài khác.

Chính quyền Iraq cũng luôn coi lực lượng người Kurd là sự cản trở trong nhiều vấn đề nội bộ. Những hoạt động của PKK hay lực lượng đơn lẻ vùng Kurd cũng gây ra những bất ổn trong nội bộ Iraq vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức,nhất là về an ninh, khủng bố, cạnh tranh ủy nhiệm… Do đó, các nguồn tin cho biết trước chiến dịch hai ngày thì người đứng đầu khu vực Kurd đã thăm Ankara. Điều này được suy đoán là Iraq và chính quyền Kurd biết trước chiến dịch này và muốn mượn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn khủng bố, duy trì an ninh và loại bỏ PKK.

Tuy nhiên, chính quyền Iraq bác bỏ thông tin này. Trong khi đó, thủ lĩnh của phong trào Sadr, Muqtada al-Sadr đe dọa sẽ không tiếp tục im lặng trước việc Thổ Nhĩ Kỳ ném bom vào vùng đất của họ. Các hoạt động quân sự này cũng khiến cho tình hình khu vực thêm phức tạp và nhất là khi các lực lượng cực đoan, các lực lượng ủy nhiệm lợi dụng tình hình này để gia tăng can thiệp, tấn công. Khi đó, tình hình Iraq có thể diễn biến phức tạp và khó lường.

Ảnh hưởng đến an ninh khu vực

Bất kỳ căng thẳng, đụng độ hay cuộc tấn công nhỏ lẻ nào cũng có thể khiến “chảo lửa” Trung Đông bùng phát bởi khu vực này là sự chằng chịt các mâu thuẫn, phụ thuộc và những bất đồng, là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, là cơ sở của nhiều phần tử khủng bố, cực đoan, các nhóm khủng bố hoạt động. Bất cứ sự leo thang quân sự hay xung đột nào trong khu vực đều có những nguyên nhân chính và những ẩn chứa kín khác mà các bên xung đột đang hướng đến.

Trước hết, hoạt động “Gọng kìm móng vuốt” của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kích động các nhóm vũ trang thân PKK trong khu vực gia tăng hoạt động tấn công đáp trả. Điều này sẽ gây bất ổn trên toàn khu vực.

Thứ hai, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát động các chiến dịch ở trong lãnh thổ Iraq có thể sẽ châm ngòi cho các hoạt động quân sự khác ở khu vực hay phát động cho các hoạt động can dự khác ở Libya, Syria, Yemen, Iraq, Lebanon... cũng như chính Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở rộng hoạt động quân sự ở Syria nhất là trong bối cảnh Nga đang ưu tiên cho việc giải quyết căng thẳng với Ukraine mà giảm sự quan tâm ở chiến trường Syria.

Thứ ba, Iraq là quốc gia đứng thứ tư thế giới về trữ lượng dầu, chỉ sau Saudi Arabia, Canada và Iran, đồng thời sở hữu lượng khí tự nhiên khổng lồ với trữ lượng 110.000 tỷ mét khối. Trong đó, khu vực Kurd cũng có lượng lớn dầu và hiện đang khai thác khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày. Do đó, hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tác động tới thị trường dầu mỏ nói chung./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại