Theo CNN, cùng với việc thực thi tình trạng khẩn cấp trong nước, 45 tờ báo, 16 đài truyền hình và 3 hãng tin tại Thổ Nhĩ Kỳ lại vừa bị đóng cửa. Thông tin do hãng thông tấn nhà nước Anadolu công bố ngày 27-7.
Cũng theo Anadolu, gần 1.700 quân nhân, trong đó có 87 tướng lĩnh, đã bị sa thải.
Tuần trước Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết những hoạt động thanh trừng hậu đảo chính cần phải được thực hiện nhằm loại bỏ "nguy cơ" bất ổn gia tăng sau cuộc đảo chính bất thành.
Cũng trong tuần trước, cơ quan quản lý truyền thông cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã tước giấy phép hoạt động của hàng chục hãng phát thanh, truyền hình trong nước bị cáo buộc liên quan với giáo sĩ Fethullah Gulen, người mà ông Erdogan cho là đứng sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen về nước.
Theo Anadolu, tính tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa tổng cộng khoảng 130 cơ quan báo chí truyền thông trong nước.
Tổ chức Phóng viên không biên giới lên án sự việc này, cho rằng đó là sự "khủng bố" đối với truyền thông phản biện.
Trong thông cáo gần đây, ông Johann Bihr, trưởng khu vực đông Âu và trung Á của tổ chức Phóng viên không biên giới, nói:
"Không ai phản đối quyền hợp pháp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bảo vệ trật tự hiến pháp sau cuộc đảo chính chết yểu, nhưng nền dân chủ mà vì nó hàng trăm người dân thường đã phải bỏ mạng không thể được bảo vệ bằng cách chà đạp những quyền tự do cơ bản".