Đàm phán không thành
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Washington vào ngày 13/11, cả hai nước đều nhanh chóng tuyên bố đã có các cuộc đàm phán thành công.
Tuy nhiên, có vẻ như cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã không mang đến một giải pháp đích thực, khi những mối đe dọa trừng phạt vẫn còn đó nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ kế hoạch liên quan đến hệ thống phòng không S-400 của Nga, tờ Arab News đánh giá.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận lô S-400 đầu tiên từ tháng 7 vừa qua. Để đáp trả động thái này, Mỹ đã nhanh chóng đình chỉ việc giao hàng tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại, ngoại trưởng hai nước cũng như các cố vấn an ninh quốc gia đang nghiên cứu giải pháp tháo gỡ bất đồng.
Tuy nhiên, tuần trước Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien tái khẳng định rằng, các biện pháp trừng phạt vẫn còn đó nếu hai bên không tìm thấy điểm chung.
Gonul Tol, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Trung Đông cho rằng, không có nhiều cách để giúp Tổng thống Erdogan thoát khỏi tranh cãi S-400 mà vẫn giữ được thể diện.
"Một trong những lựa chọn của Ankara đó là tuyên bố đã kích hoạt hệ thống S-400 trong khi thực tế hệ thống này vẫn chưa hề hoạt động. Phản ứng của Nga đối với động thái này có thể mang đến rủi ro cho Ankara", chuyên gia Tol nói với Arab News.
Một số chuyên gia tin rằng ông Erdogan đang cố gắng có được vũ khí từ cả Nga và Mỹ trong một hành động cân bằng chính trị khó khăn.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện các bước đi để giải quyết mối quan ngại của phương Tây đối với S-400, Quốc hội Mỹ có thể thúc đẩy chính quyền tiến xa hơn trong việc thực thi Đạo luật chống lại đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói trừng phạt đối với Ankara về hoạt động tại Syria và các thành viên chủ chốt của Thượng viện, bao gồm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, đã cam kết sẽ áp đặt các đòn đánh mạnh mẽ với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này không rời Syria và trả lại hiện trạng ban đầu.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tự tin sẽ không bị trừng phạt?
Karol Wasilewski, một nhà phân tích tại Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan có trụ sở tại Warsaw, tin rằng giải pháp cho câu hỏi hóc búa này có thể là Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đồng ý giữ S-400 ở Bắc Síp - một thỏa hiệp sẽ làm hài lòng Mỹ và giữ thể diện cho ông Erdogan trước công chúng trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể gửi S-400 sang một quốc gia khác.
"Nhưng tôi nghĩ điều đó cực kỳ khó xảy ra", ông nhấn mạnh. Trên đường từ Washington trở về Ankara, ông Erdogan đã một lần nữa tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hoàn toàn từ bỏ S-400 để có được hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Theo đó, Tổng thống Erdogan vẫn bảo lưu quan điểm rằng lời đề nghị chỉ mua Patriot và hoàn toàn đặt S-400 của Nga sang một bên là sự can thiệp vào quyền quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ.
Coi trọng vấn đề chủ quyền quốc gia, Thổ Nhĩ Kỳ lý giải cho quyết định mua hệ thống của Nga chỉ vì Mỹ đã từng từ chối cung cấp cho Ankara hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trong quá khứ.
Theo chuyên gia Wasilewski, Mỹ có thể thỏa hiệp về giá cả hoặc chuyển giao công nghệ, nhưng có lẽ sẽ không nhiều đến mức Ankara mong muốn vì việc chia sẻ đầy đủ công nghệ tiên tiến như vậy còn khó khăn với cả đồng minh thân cận nhất, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hiện không phải là đồng minh thân thiết của Mỹ.
"Vì lý do nào đó, tôi cho rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khá tin tưởng về viễn cảnh ông Trump sẽ không trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và họ cần phải chờ Quốc hội mới", ông Wasilewski nói.