Điều này một lần nữa cho thấy những rạn nứt ngày càng rõ trong liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống lại IS, mà Thổ Nhĩ Kỳ, với vai trò và vị trí chiến lược tại khu vực là một thành viên không thể thiếu.
Phát biểu ở thành phố Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc liên quân quốc tế đã bỏ mặc nước này chiến đấu một mình chống tổ chức khủng bố IS, với liên tiếp các vụ tấn công khủng bố gây thương vong lớn.
Ông Erdogan nhấn mạnh, thậm chí ngay cả ở Syria, “cũng không có ai trong số những người nói là đang chiến đấu chống IS lại phải chịu đựng những mất mát và phải trả giá đắt như Thổ Nhĩ Kỳ”.
Không chỉ thế, ông Erdogan còn thẳng thắn bác bỏ yêu cầu của Liên minh châu Âu buộc nước này phải tiến hành cải cách luật chống khủng bố, nếu muốn được hưởng quy chế miễn thị thực của khối.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời một lần nữa cáo buộc Liên minh châu Âu ủng hộ nhóm phiến quân Đảng công nhân người Kurd (PKK) và thể hiện mong muốn mở rộng định nghĩa của vấn đề khủng bố.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang bị các tổ chức khủng bố và những thế lực đang hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho chúng tấn công. Liên minh châu Âu yêu cầu chúng tôi phải thay đổi luật chống khủng bố để đổi lấy thỏa thuận tự do thị thực.
Họ đã ra điều kiện này, tuy nhiên, tôi rất tiếc vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ chống khủng bố theo cách của mình”, ông Erdogan nói.
Được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, trong những tháng vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị rung chuyển bởi một loạt vụ tấn công khủng bố, đặc biệt là nhằm vào hai thành phố lớn là Ankara và Istanbul.
Tháng 10 năm ngoái, IS đã tiến hành một vụ tấn công liều chết làm hơn 100 người thiệt mạng ngay trước nhà ga chính ở thủ đô Ankara.
Kilis, một thành phố biên giới với Syria, cũng thường xuyên là mục tiêu của các vụ bắn rocket do tổ chức IS tiến hành từ phía lãnh thổ nước láng giềng, làm ít nhất 21 người thiệt mạng từ đầu năm tới nay.
Là một thành viên của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là một phần của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống nhóm IS tự xưng, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã tăng cường các vụ không kích tại khu vực miền Bắc Syria nhằm đáp trả những vụ tấn công này.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng cho biết, pháo binh của nước này triển khai tại khu vực gần biên giới Syria cuối tuần qua đã tiêu diệt được 55 tay súng IS tự xưng ở miền Bắc Syria.
Trên thực tế, việc Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có vai trò và vị trí chiến lược tại khu vực đồng ý tham gia liên quân quốc tế chống IS hồi mùa hè năm ngoái đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho cuộc chiến này.
Tuy nhiên, mặt khác sự tham gia này cũng tạo ra một số khó khăn, bởi đối với Thổ Nhĩ Kỳ, khủng bố không chỉ là IS mà còn là các nhóm vũ trang người Kurd, vốn là một trong những lực lượng được Mỹ đánh giá là “nóng cốt” trong cuộc chiến chống IS hiện nay.
Chính vì thế, cuộc chiến chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đặt Mỹ và các đồng minh trong liên quân quốc tế vào thế khó và nhiều nhà phân tích cũng từng dự báo, một sự rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và liên quân quốc tế trong cuộc chiến này là một điều tất yếu./.