Bên cạnh không gian sơn thủy hữu tình, nơi đây còn chỉ sử dụng ẩm thực hữu cơ toàn phần nên từ hàng thế kỷ trước đã luôn gắn liền với mỹ danh “thiên đường chữa lành”, thu hút du khách tìm đến để thả lỏng tâm trí và dưỡng bệnh.
Thiên đường chữa lành
Schmilka nằm sâu trong vùng nội địa có rừng ở phía Đông nước Đức, được bao bọc bởi những đỉnh núi đá kỳ vĩ và dòng sông Elbe chảy xiết. Hầu hết, các ngôi nhà trong thị trấn đều “như bước ra từ thế kỷ XIX”, gợi không khí cổ tích tương tự các thiết lập không gian của Truyện cổ Grimm.
Theo tư liệu lịch sử, Schmilka được thành lập vào năm 1582, bởi các thợ rừng người Séc. Ban đầu, nó chỉ đơn giản là làng của những người đốn gỗ vân sam. Sông Elbe chảy xiết đóng vai trò như đường vận chuyển gỗ.
Nhờ nó, công việc khai thác trở nên suôn sẻ, số lượng thợ rừng cũng gia tăng. Nửa cuối thế kỷ XVII, Schmilka biến thành thị trấn. Vì cách xa nơi đông dân cư, nó dần dà biệt lập.
Thế kỷ XIX, trong cơn sốt “chữa lành nhờ thiên nhiên”, Schmilka lột xác thành địa điểm nghỉ dưỡng. Các phòng tắm, phòng xông hơi, điểm nghỉ chân ngoài trời… đua nhau mọc lên. Nhờ bốn bề là thế giới hoang dã tươi tốt, phong cảnh tự nhiên tráng lệ, Schmilka thu hút các tư bản gia ghét phố phường ồn ã đến lánh đời.
Thời kỳ Đức bị chia thành 2 nửa Đông và Tây, Schmilka bị bỏ rơi và ngày càng hoang tàn. Tuy nhiên, sau khi Đức thống nhất không lâu, nó lại trở về với vai trò nơi nghỉ dưỡng trong lành hấp dẫn nhất.
Thời gian bị đóng băng
Các ngôi nhà ở Schmilka đều có tuổi thọ ngoài 200 năm. Ảnh: David Perry
Người có công lớn nhất trong việc khôi phục Schmilka là doanh nhân Sven-Eric Hitzer. “Thập niên 1990, tôi đã cùng gia đình đến Schmilka để tận hưởng cảm giác sống trong thế giới tự nhiên. Vì muốn quay trở lại lần nữa, tôi quyết định mua một ngôi nhà”, ông nhớ lại.
Nhà ở Schmilka thuộc kiểu nửa gỗ, nửa đá, hầu hết đều có tuổi thọ bách niên, tối thiểu cũng 200 năm. “Diện mạo của thị trấn dường như không thay đổi bao nhiêu so với ngày đầu được thành lập. Các ngôi nhà thường dạng 2 tầng, tầng dưới được xây bằng đá để chống nước lũ còn tầng trên bằng gỗ, bề ngoài được quét trang trí bằng màu sơn mài”, Andrea Bigge, nhà sử học địa phương miêu tả.
Những năm 1990, trong Schmilka có rất nhiều nhà trống. Ngoài mục đích mua làm nơi nghỉ ngơi, ông Hitzer còn muốn bảo tồn kiểu kiến trúc độc đáo của nơi này. Năm 2007, ông được vợ khuyên nên mua tất cả các ngôi nhà trống ở Schmilka và biến thị trấn thành chốn ẩn dật bền vững.
Xét trên phương diện vị trí, thị trấn Schmilka nằm ở nơi quá xa xôi. Nó không chỉ quá thưa thớt dân cư, mà còn không có trường học, nhà thờ hay bất kỳ công trình di sản nào. Vì thế, ban đầu, ông Hitzer đã rất lưỡng lự. Tuy nhiên, dưới sự khích lệ của vợ, ông hạ quyết tâm biến Schmilka thành “mảnh đất không thời gian”.
Với mỗi ngôi nhà mua được, ông Hitzer đều cẩn thận tân trang, chuyển đổi thành nhà nghỉ mà không làm mất nét đặc trưng kiến trúc vốn có. Cảnh quan núi biếc, sông dài của thế giới tự nhiên vây quanh Schmilka đã tặng cho ông Hitzer một món quà siêu lợi nhuận: Lượng khách du lịch vô hạn.
Đối với những người đam mê đi bộ đường dài, leo núi, yêu thích thiên nhiên… Schmilka là điểm đến không thể bỏ qua. Những cư dân vẫn còn bám trụ Schmilka cũng học theo ông Hitzer, sửa sang lại nhà cửa làm nhà nghỉ, tiếp đón khách du lịch.
“Cách đây 200 năm, Schmilka từng là thị trấn nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên yên tĩnh bậc nhất. Bây giờ, nó như sống lại thời gian ấy. Ở đây, bạn không có khái niệm về thời gian, không cần lịch trình, không cần mục đích. Nếu bạn hỏi các du khách đến Schmilka để làm gì, thì câu trả lời luôn là để… không làm gì cả”, Ansgar Rieger, một chủ nhà khách ở Schmilka cho biết.
Ẩm thực hữu cơ lành mạnh
Ông bà chủ của thị trấn không thời gian Schmilka tự hào cung cấp thực phẩm hữu cơ lành mạnh. Ảnh: Saechsische.de
Khi mua nhà trống ở Schmilka để thành lập hệ thống nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên, ông Hitzer không có kế hoạch cung cấp thực phẩm hữu cơ. Một hôm, sau khi khám sức khỏe và bị chẩn đoán “không khỏe”, ông nghĩ rằng nguyên nhân do đồ ăn không lành mạnh.
Ông tự hứa không đụng tới những món ăn thiếu an toàn sức khỏe. “Tôi nhận ra, thực phẩm hữu cơ không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn tốt cho cả môi trường, cuối cùng nảy sinh ý tưởng kinh doanh bền vững”, ông chia sẻ.
Vốn dĩ, Schmilka thu hút du khách và dân cư mới nhờ tiếng tăm “tự nhiên trong lành”, “thế giới hạn chế wifi”. Các cư dân gạo cội của nó cũng đã quen với việc tự cung tự cấp rau xanh sạch, vì ở cách quá xa chợ búa.
“Chúng tôi đã luôn tự trồng trọt và vô cùng thành thạo trong việc tái chế, tận dụng các tài nguyên có sẵn. Trong thị trấn có một nhà máy bia tuổi đời 400 năm, sử dụng kỹ thuật ủ truyền thống.
Chúng tôi lấy luôn nhiệt thải của nó và các tiệm làm bánh khác làm nguồn nhiệt năng. Nói ra sợ các bạn không tin, ngay cả chất tẩy rửa ở đây cũng hoàn toàn hữu cơ”, chị Rieger tự hào.
Giờ đây, tất cả các món ăn ở Schmilka đều là thực phẩm hữu cơ. Du khách đến đây như được thanh lọc cả về tinh thần lẫn cơ thể.
Mặc kệ thế giới bên ngoài phát triển thần tốc, Schmilka nguyên sơ không khí trầm lặng. Đến cả mùi hương không gian cũng vẫn hệt như hàng trăm năm về trước, chỉ có hương rừng hòa lẫn với hương sông. Người dân ở đây yêu thích sự bình ổn của nó, không có ý muốn chạy theo nhịp sống hiện đại hóa.
Theo BBC