Lực lượng đổ bộ đặc biệt của hải quân Nhật đeo mặt nạ phòng độc trong trận chiến tại Thượng Hải, Trung Quốc, hồi tháng 8/1937. (Ảnh: Wiki)
Năm 1936, người Nhật xây dựng một căn cứ bí mật gần Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc. Trung tâm nghiên cứu này có tên gọi “Đội 731”. Ở căn cứ này các nhà bác học Nhật Bản đã nghiên cứu vũ khí vi trùng và thực hiện những thí nghiệm khủng khiếp đối với con người. Chỉ huy đội quân tàn bạo này là nhà vi sinh học và viên tướng quân đội Nhật Ishii Shiro.
Gọi con người là những “súc gỗ”
Những tù nhân, bị Hiến binh của quân đội Quan Đông bắt trong thời gian chiến đấu ở Mãn Châu, được đưa tới nơi này. Các nhân viên và lính gác của “nhà máy tử thần” không coi tù nhân là con người.
Cơ sở thí nghiệm tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc của Đơn vị 731 (Ảnh: Wiki)
Trong hồi ức của chuyên gia đào tạo cho đội ngũ nhân viên “Đội 731”: “Họ đối với tôi chỉ là những súc gỗ. Không thể xem súc gỗ là con người được. Những súc gỗ bản thân nó đã là xác chết rồi. Bây giờ chúng đang chết lần thứ hai và chúng tôi chỉ thực thi bản án tử hình mà thôi”.
Trong toàn bộ quá trình nghiên cứu, các nhà bác học Nhật đã giết hại đến 10 nghìn người. Gần 70% nạn nhân là người Trung Quốc, số còn lại là người Nga, Triều Tiên và Mông Cổ.
Tên của phần lớn họ không thể xác định được, nhưng được biết chính xác rằng có người lính họ Demchenco và cô gái người Nga Maria Ivanova bị giam trong trại. Cô cùng đứa con gái 4 tuổi của mình bị giết hại trong buồng khí trong thời gian thử nghiệm hồi tháng 6/1945.
Có tin rằng các tù nhân Nga đã định nổi dậy, nhưng người Trung Quốc không ủng hộ hành động của họ, và vì thế cuộc bạo loạn của họ nhanh chóng bị đàn áp bằng khí độc.
Ở phòng thí nghiệm khác tù nhân bị đưa chất độc và các mô thối rữa vào dạ dày. Người ta nghiên cứu xem có thể rút ra từ con người bao nhiêu lít máu
Nhà máy tử thần
Người ta đã làm những thí nghiệm đáng sợ trên những “súc gỗ’. Tù nhân bị làm nhiễm các loại virus và nhốt vào chiếc cũi chật hẹp mà họ không thể cựa quậy nổi trong đó, còn các “nhà bác học” quan sát xem virus phát triển thế nào. Những “vật thí nghiệm” bị làm nhiễm các bệnh thương hàn, dịch tả, bệnh lị và bị đầu độc bằng khí độc.
Phòng giải phẫu tiến hành mổ xẻ các chi tiết mà không gây mê “để không ảnh hưởng quá trình tự nhiên của thí nghiệm”.
Để làm rõ các phương pháp chữa trị hiệu quả những người bị thương, họ dùng lựu đạn nổ và lửa thiêu tù nhân. Vì “ý nghĩa khoa học”, họ dội vào những con người bất hạnh này máu của động vật, cắt cụt tứ chi rồi khâu lại nhưng thay đổi các vị trí.
Ở phòng thí nghiệm khác tù nhân bị đưa chất độc và các mô thối rữa vào dạ dày. Người ta nghiên cứu xem có thể rút ra từ con người bao nhiêu lít máu. Khi chuẩn bị tiếp cận nước Nga, các nhà khoa học Nhật đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu các biện pháp điều trị các vết hoại tử do lạnh.
Để làm việc đó, họ dội nước lên những người bị thí nghiệm và lôi họ ra trời lạnh, hay dìm tứ chi của họ vào nitơ lỏng - chỉ là một phần nhỏ những điều khủng khiếp được “sáng tạo” tại đội 731.
Phục vụ ở đội được coi là rất có uy tín và chỉ những người tốt nghiệp loại giỏi các trường y và sinh học của Nhật Bản mới được phái đến đây. Chỉ huy đội 731 Shiro Ishii bị cuốn hút vào việc nghiên cứu dịch hạch và ông ta đã tìm ra được loại virus nguy hiểm gấp 60 lần loại thông thường.
Để sử dụng vi khuẩn được đưa đến ở trạng thái khô, cần làm ẩm chúng bằng dung dịch nước đặc biệt. Nhà nghiên cứu Sheldon Harris khẳng định rằng người Nhật đã ném xuống các thành phố của Trung Quốc những quả bom gốm được nhồi đầy bọ chét và ruồi đã bị nhiễm dịch hạch. Gần 200 nghìn người chết vì những quả bom này. Người Nhật cũng đã có kế hoạch ném xuống nước Mỹ và các thành phố Viễn Đông của Liên Xô những quả bom như vậy.
Những “vật thí nghiệm” bị làm nhiễm các bệnh thương hàn, dịch tả, bệnh lị và bị đầu độc bằng khí độc.
Mỹ bao che cho tội phạm chiến tranh như thế nào
Ngày 9/8/1945 quân đội Liên Xô bắt đầu chiến dịch đập tan các cụm quân của Nhật. Biết không thể chống đỡ lại được cuộc tấn công vũ bão của Hồng quân, ban lãnh đạo đội 731 được lệnh tự hành động.
Đêm ngày 10 sang ngày 11/8 các nhân viên trung tâm bắt đầu thủ tiêu tài liệu và những người tù còn sống, tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu giá trị nhất thì Shiro mang theo. Ông ta dự tính sẽ dùng tài liệu này trao đổi để đảm bảo tính mạng và tính toán của ông ta đã đúng.
Trong thời gian Xô-Mỹ cùng điều tra việc sản xuất vũ khí vi trùng trong năm 1946, Shiro đã liên lạc với người Mỹ và đề nghị được tị nạn đổi lấy các kết quả nghiên cứu. Tại phiên toà xét xử ở Tokyo, những tù nhân sống sót của đội 731 đã đứng ra làm nhân chứng. Nhưng đến thời gian đó người Mỹ đã nghiên cứu những tài liệu của Shiro và sau khi đánh giá giá trị của chúng, đã từ chối hợp tác với người Nga.
Trước đề nghị của Liên Xô đưa những kẻ tàn ác này ra xét xử, người Mỹ đã trả lời “không biết chỗ ẩn náu của ban lãnh đạo đội 731, trong đó có cả Shiro và không có đủ căn cứ để cáo buộc đội này là tội phạm chiến tranh”. Chỉ một mình viên tướng Mỹ Douglas MacArthur đứng che chắn cho hơn 3.000 tội phạm chiến tranh. Tại phiên xét xử ở Khabarovsc năm 1949 chỉ xử được một số ít tội phạm.
Cuộc sống của các thành viên đội 731 sau này ra sao?
Mãi đến những năm 1980 người ta mới được biết đến sự thật về tội các của những thành viên này. Ngay lập tức sau chiến tranh, các nhân viên của đội 731 đã trở thành những người được kính trọng ở Nhật, nắm giữ các vị trí cao.
Trong số các thành viên có người là trưởng khoa của các trường tổng hợp, lãnh đạo các trường y và sinh học, viện sĩ, chính trị gia, thương gia và thậm chí thống đốc Tokyo. Một trong những kẻ sát nhân chuyên làm thí nghiệm trên phụ nữ đã mở phòng khám phụ khoa tư nhân lớn nhất ở Nhật bản.
Một người họ hàng của Nhật Hoàng Hirohito, hoàng thân Takeda, người đã thanh tra đội 731, đã lãnh đạo Uỷ ban Olympic Nhật Bản năm 1964. Chỉ huy đội Shiro Ishii nhận được quyền bất khả xâm phạm và tiếp tục làm việc ở Nhật, cũng như ở trung tâm nghiên cứu của Mỹ ở Maryland. Ông ta chết năm 1959 vì ung thư vòm họng.