Một phi vụ tuyệt mật
Một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ lượn trên khu trại khủng bố, chiếc camera cực mạnh của nó ghi lại mọi động thái của các tay súng bên dưới. Những kẻ này đang bận rộn tháo dỡ đạn pháo và súng phóng lựu ra khỏi một chiếc xe bán tải, không hề biết rằng mình đang bị theo dõi từ trên cao.
Đây chỉ là một trong vài khu trại của IS nằm tại thành phố Sirte, Libya. Cuối năm ngoái, máy bay Mỹ giúp binh lính địa phương đẩy lùi IS khỏi thành phố này. Nay, một số thành viên IS đã trở lại và tập hợp trong các khu trại kể trên. Có khoảng hơn 100 tay súng tụ tập tại khu trại đang bị theo dõi.
Đó là giữa tháng 1 năm nay và chính quyền Obama chỉ còn vài ngày nữa là chuyển giao quyền lực lại cho tân Tổng thống Donald Trump. Không khó hiểu khi các tay súng IS lại tập hợp ở nơi như thế, bởi chúng cảm thấy đã an toàn hơn trước hoạt động can thiệp của Mỹ. Nhưng chúng đã lầm to.
Lãnh đạo phi đoàn máy bay ném bom chiến lược số 509 trò chuyện với 2 phi công B-2 tham gia nhiệm vụ Syria
Cách Libya nửa vòng trái đất, “Scorch” leo vào buồng lái một chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Anh đảm trách một công việc đặc biệt khó khăn, thậm chí còn hơn nhiều các phi công chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ. Scorch cần phải chuẩn bị chiếc máy bay để nó tấn công trại huấn luyện khủng bố ở Sirte, nằm cách đó hơn 9.000 km.
Sẽ phải mất 32 giờ để bay từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri tới Libya và trở về nhà sau khi thực hiện nhiệm vụ. Các máy bay B-2 sẽ không chạm đất lần nào trong suốt hành trình nên các phi công của nó cần phải được nghỉ ngơi tối đa.
Để giảm bớt thời gian thực hiện nhiệm vụ và gánh nặng cho phi hành đoàn, các phi công B-2 khác như Scorch hỗ trợ hoạt động lên kế hoạch bay, kiểm tra vũ khí và đôi khi còn khởi động các động cơ máy bay.
“Trong tất cả các phi công ở căn cứ này, 75% biết về nhiệm vụ hoặc tham gia vào nó,” Scorch nói với phóng viên Popular Mechanics. Những người khác sẽ chỉ biết về sự kiện khi báo chí loan tin. Scorch cũng chia sẻ thêm rằng tất cả các phi công B-2 trong căn cứ, bao gồm chính anh, đều muốn thực hiện một nhiệm vụ như ở Libya.
Vì sao phải dùng B-2 ở Libya?
Có thể nói rằng nhiệm vụ tấn công khu trại khủng bố ở Libya rất dễ mô tả nhưng khó thực hiện. 2 chiếc B-2, mỗi chiếc có 2 người điều khiển, sẽ cất cánh, bay tới mục tiêu, thả đủ số bom xuống để tiêu diệt khu trại, sau đó lập tức bay trở lại Missouri.
Chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn khi các nhà hoạch định kế hoạch tấn công cân nhắc mọi thứ, từ các bữa ăn của phi công tới số lượng bom máy bay có thể mang.
Bộ phận tình báo ở Bộ chỉ huy quân đội Mỹ khu vực Châu Phi (AFRICOM) đã giám sát các trại khủng bố tại Sirte trong nhiều tuần trước khi Nhà Trắng bật đèn xanh cho họ tiến hành nhiệm vụ. Tướng Thomas Waldhauser - Tư lệnh AFRICOM, chọn B-2 làm phương tiện thực hiện nhiệm vụ và đây là lựa chọn rất bất thường.
B-2 được chế tạo để phục vụ các nhiệm vụ thời chiến tranh Lạnh. Nó có thể tàng hình trước radar đối phương, bay tới mục tiêu và ném các loại bom rồi bay về mà không bị phát hiện. Nhưng Libya không sở hữu vũ khí hiện đại tới mức có thể đe dọa máy bay Mỹ nên yếu tố tàng hình của B-2 bỗng trở nên thừa thãi.
Nhưng máy bay ném bom rõ ràng là công cụ cần thiết cho nhiệm vụ này. Không một phương tiện nào khác có thể đổ hàng tấn thuốc nổ xuống các mục tiêu như một chiếc máy bay chuyên ném bom.
Đội máy bay ném bom chiến lược của Mỹ còn gồm cả những chiếc B-1 và B-52 không có tính năng tàng hình. Nhưng trong đó B-2 có tầm hoạt động xa nhất nên nó là lựa chọn cuối cùng.
Mỗi chiếc B-2 có thể mang rất nhiều loại bom đạn, như bom “ngu” Mk 82, Mk 84 hay bom thông minh, bom chùm CBU-87, mìn GATOR và các loại bom cỡ lớn như MOP vốn nặng tới 14.000 kg. Chiếc máy bay này cũng có khả năng bắn tên lửa hành trình AGM-158 JASSM nhờ hệ thống giá treo có khả năng xoay vòng nằm trong thân của nó.
Kỹ thuật viên làm nhiệm vụ lắp vũ khí lên B-2 có thể trộn lẫn các loại bom lớn nhỏ khác nhau tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Nhưng Thiếu tướng Scott Vander Hamm, một trợ lý tham mưu phó của Không lực Mỹ, cho biết nhiệm vụ ở Libya chỉ cần tới những quả bom thông minh GBU-38 nặng 500 pound (khoảng 250 kg).
B-2 có thể mang tới 80 quả bom loại này. Mỗi quả bom được lập trình để có thể tấn công trúng một mục tiêu cụ thể, ở độ cao cụ thể, từ góc tấn công cụ thể và một mốc giờ rõ ràng.
Nhưng dù các mục tiêu đã được lập trình trước, phi công B-2 vẫn có thể thay đổi tọa độ từ khoang lái. Việc này nhằm đảm bảo nếu có sự thay đổi mục tiêu vào phút chót, phi công vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ.
Công tác chuẩn bị đặc biệt công phu
Căn cứ Whiteman hiện là nhà của phi đội máy bay ném bom B-2. Cả kho vũ khí của Mỹ cũng chỉ có 20 chiếc máy bay loại này, với mỗi chiếc có giá lên tới gần 2 tỉ USD.
Các phi công lái B-2 tới từ gần như mọi nhánh trong Không lực Mỹ. Họ bắt đầu sự nghiệp bằng các loại máy bay ném bom khác. Thậm chí một số từng lái máy bay chiến đấu, máy bay vận tải hoặc chở dầu trước khi tham gia điều khiển chiếc B-2 Spirit.
Thông thường căn cứ Whiteman sẽ liên tục thực hiện một chu trình huấn luyện - bảo dưỡng - nghỉ ngơi lặp đi lặp lại. Tuy nhiên chu trình này hoàn toàn chấm dứt mỗi khi căn cứ nhận lệnh mới. Các nhà hoạch định kế hoạch trong căn cứ sẽ chọn lựa phi công rồi phác thảo ý tưởng thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp đó, họ sẽ liên lạc với những người có liên quan tới nhiệm vụ như các kỹ thuật viên và phi công vận hành máy bay tiếp dầu để chuẩn bị. Một bản báo cáo về nhiệm vụ sẽ được gửi lên những cấp cao nhất, gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Dù nhiệm vụ chỉ liên quan tới 2 chiếc B-2 với mỗi chiếc có 2 người lái, thực tế công tác chuẩn bị cần lượng phi công nhiều gấp 2 - 3 lần mức này.
“Các phi công này sẽ được thông báo vắn tắt và đưa vào trạng thái sẵn sàng lên đường,” Vander Hamm nói. “Tất cả bọn họ sẽ tập luyện trên hệ thống mô phỏng, xuất hiện trong các buổi thông báo về kỹ thuật, lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và nghỉ ngơi để giữ sức.”
Số lượng đông đảo phi công được triệu tập tham gia nhiệm vụ không chỉ để đề phòng bất trắc. Khi thời gian thực hiện nhiệm vụ tới gần, những người này sẽ trực tiếp tiến hành nhiều hoạt động chỉ để giảm tải cho các đồng đội trực tiếp lái B-2.
Những chuyến bay siêu dài luôn đảo lộn chu kỳ thức/ngủ của phi công. Ngoài ra còn phải kể tới vô số vấn đề khác như mất nước, mệt mỏi. Để chống lại những điều này, các bác sĩ tại Whiteman phải lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ riêng, gồm việc họ sẽ cho phi công ăn gì, đồ ăn vặt có những gì.
Họ cũng lên lịch để phi công có thể ngủ những giấc ngắn vào lúc nào, đi vệ sinh như thế nào. Các bác sĩ thậm chí còn đề nghị và đôi khi là ra lệnh cho phi công phải dùng thuốc giúp tăng sự tỉnh táo (thường là Dexedrine) hoặc thuốc ngủ (giống Ambien) để đảm bảo chu trình thức ngủ của họ được tối ưu hóa.
Tất cả chỉ để phi công có phong độ và sức khỏe tốt nhất trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nghỉ ngơi thoải mái trên một vũ khí hiện đại như B-2 là một yêu cầu xa xỉ. Phía sau 2 chiếc ghế ngồi là một khoảng không gian chỉ dài có 1,8 mét, vừa đủ để phi công kê một chiếc giường nhỏ. Phía sau ghế phải là một nhà vệ sinh rất thô sơ, thực ra là một cái bô làm từ thép không gỉ, và không có tường chắn để đảm bảo chút riêng tư.
Với cánh phi công, sự bất tiện này không khiến họ bận tâm nhiều. Mối quan ngại lớn hơn tới từ việc các chuyến bay quá dài có thể khiến họ trở nên căng thẳng. Đa số xử lý vấn đề này bằng cách làm điều gì đó có ích trong khi bay.
“Tôi dùng thời gian này để nghiên cứu, tìm cách cải thiện nhiệm vụ. Tôi cũng đứng lên khỏi ghế ngồi càng nhiều càng tốt, để tập chống đẩy hoặc các bài thể dục khác,” Scorch chia sẻ.
Ngay cả ném bom cũng là một sự kiện được lên kế hoạch trước. Chiếc máy bay sẽ tính toán thời gian thả bom dựa theo tốc độ gió cụ thể và tự động mở khoang chứa vũ khí để ném bom. “Chúng tôi có thể ném bom xuống vị trí cách mục tiêu chỉ trong vòng 1 mét, nếu không muốn nói là vào trúng mục tiêu”, Vander Hamm nói.
Bay nửa vòng trái đất để hủy diệt mục tiêu
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, những chiếc B-2 lên đường theo kế hoạch. Dù là máy bay ném bom tầm xa, chúng cũng không có đủ nhiên liệu để bay một mạch từ Mỹ tới Lybia rồi trở lại Mỹ. Đó là khi những chiếc máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker xuất hiện.
Cả 2 chiếc B-2 phải tiếp dầu trên không tổng cộng 15 lần trong hành trình tới Libya và trở lại Mỹ. Đó là một vũ điệu được lên kế hoạch trước và chắc chắn sẽ diễn ra không cần biết tình hình thời tiết lúc đó ra sao, hay khi ấy là mấy giờ.
Kết thúc 16 giờ bay, những chiếc B-2 dần tiếp cận mục tiêu ở Libya. Đúng như kịch bản, khoang chứa mở ra và những quả bom thi nhau rơi xuống. Chiếc máy bay hơi rung lắc khi kiện hàng nặng hàng ngàn cân được trút bỏ chỉ trong có vài giây. Những quả bom bay đi mà không cần một cơ chế phóng nào cả, bởi lực hấp dẫn đã lo phần này.
Ở phía dưới, các tay súng IS không nhận được bất kỳ cảnh báo nào về việc hàng ngàn cân thuốc nổ đang lao tới chúng từ trên cao. Ít nhất 1 chiếc UAV Predator lượn gần mục tiêu để ghi lại vụ tấn công. Nó cho thấy một khung cảnh như địa ngục, khi mọi thứ bị hơi bom và sức nóng hình thành từ các vụ nổ xé nát, đập tan, thiêu rụi.
Tổng cộng đã có hàng chục tay súng IS bị giết sau cuộc ném bom đó. Lầu Năm góc trong tuyên bố chính thức cho biết đã có khoảng 100 tay súng IS thiệt mạng.
Theo đúng kịch bản, những chiếc B-2 còn lượn vòng một lúc trên trời, đợi AFRICOM cung cấp tọa độ GPS mục tiêu mới.
Đánh giá sơ bộ được gửi tới cho thấy chiếc Pradator đã bắn một vài quả tên lửa vào những tay súng IS còn sống sót. Nhưng đội B-2 không cần phải lượn thêm một lần nào khác vì một lượt ném bom là quá đủ để hủy diệt cả khu trại. Vì thế chúng được lệnh trở lại nhà.
Bầu không khí phấn khích trong buồng lái những chiếc B-2 nhanh chóng hạ xuống và 16 giờ cần thiết để bay trở lại Mỹ còn dài và mệt mỏi hơn cả lúc đi. Cuối cùng, sau vài lần tiếp dầu trên không, chúng đã trở lại Whiteman.
Các phi công và kỹ thuật viên ở căn cứ chào đón những người vừa thực hiện nhiệm vụ, với sự mệt mỏi hiện rõ trên mặt, rồi nhanh chóng kiểm tra chiếc máy bay từ khoang lái tới động cơ và cả lớp sơn tàng hình phủ trên bề mặt máy bay.
Những người vừa thực hiện nhiệm vụ sẽ nhanh chóng được đưa trở lại chu kỳ ăn - nghỉ - huấn luyện của căn cứ để luôn sẵn sàng chiến đấu. Cần nhớ rằng ngoài những nhiệm vụ đặc biệt như ở Libya, B-2 là một phần trong tam giác răn đe hạt nhân của Mỹ và nó sẵn sàng mang bom hạt nhân đi bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Whiteman trở lại nhịp điệu bình thường của nó. Nhưng rồi chẳng mấy chốc, kế hoạch tấn công tiếp theo sẽ được chuyển tới và những chiếc B-2 khổng lồ sẽ lại cất cánh lên trời một lần nữa, mang bom đạn và cả thông điệp đe dọa Mỹ muốn gửi gắm tới cho các đối thủ.