Trên đây là nhận định của tờ The Times of India
Theo tạp chí của Ấn Độ, tổ hợp phòng không THAAD của Mỹ có khả năng chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng “hệ thống phòng không S-400 còn chứng minh hiệu quả trong việc đẩy lùi nhiều loại hình không kích, đặc biệt là các máy bay chiến đấu như F-18 và F-35”.
The Times of India ghi nhận, sau khi S-400 được nâng cấp để thực hiện đánh chặn các tên lửa đạn đạo, dường như không xuất hiện bất cứ so sánh nào giữa S-400 và hệ thống THAAD của Mỹ về năng lực này.
Hiện Ấn Độ đang có kế hoạch mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga. Tuy nhiên, Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn kế hoạch này, đồng thời áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các công ty quốc phòng của Nga.
Để thay thế cho S-400, Mỹ tính chào bán hệ thống THAAD cho Ấn Độ. Các cuộc đàm phán liên quan dự kiến diễn ra vào ngày 6/7 tới.
Tổ hợp tên lửa S-400 do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300.
Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó.
Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Tổ hợp tên lửa này được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển.
S-400 có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.