Những năm gần đây, trào lưu xăm mình rộ lên và đã được mọi người nhìn bằng con mắt cởi mở hơn chứ không còn khắt khe theo kiểu “hễ xăm mình là dân xã hội đen” như trước.
Xăm mình vì thích
Ở nước ngoài, trào lưu xăm mình của giới cầu thủ đã có từ rất lâu, và ngày càng nhiều ngôi sao tên tuổi lấy hình xăm trên cơ thể để khẳng định "cái tôi" lẫn… làm thương hiệu. Như David Beckham chẳng hạn, gần như anh "thêu hoa dệt gấm" trên khắp cơ thể mình trừ vùng mặt. Sản phẩm thì đa dạng, từ tên vợ, tên con, hoa văn, hình ảnh nghệ thuật lẫn cổ quái. Chính điều này đã khiến các fan của anh phát cuồng, thậm chí có hẳn một trang web về hình xăm của Beckham.
Ở Việt Nam, việc xăm mình trong giới cầu thủ có lẽ bắt đầu từ đội HAGL, vào thời điểm những cầu thủ Thái Lan đổ về thi đấu ở phố Núi. Năm 2001, HAGL được mệnh danh là “đội bóng Lương Sơn Bạc”, vì ngoài những ngoại binh người Thái Lan còn có đông đảo hảo thủ từ khắp cả nước đổ về hội tụ, xây dựng nên giai đoạn hoàng kim của đội bóng phố Núi. Và những hình xăm trên cơ thể các cầu thủ Thái Lan đã bắt đầu thu hút sự chú ý của những đồng nghiệp Việt Nam.
Vậy ai là người xăm mình đầu tiên trong giới cầu thủ Việt Nam? Câu hỏi này rất khó trả lời chuẩn xác. Tuy nhiên, từ những tư liệu thu thập được, có lẽ Nguyễn Mạnh Dũng, tức Dũng “Giáp” (lúc ấy đá cho HAGL) là một trong những cầu thủ đã xăm trổ hoa văn đầu tiên trên cánh tay mình. Thời điểm ấy, dư luận vẫn khá khắt khe với sở thích xăm mình, nên cầu thủ cũng chỉ dám xăm ở những chỗ kín đáo để tránh bị phát hiện. Nhưng với một người đầy cá tính như Dũng “Giáp” thì anh xăm luôn trên cánh tay. Hỏi Dũng xăm hình ấy vì lý do gì thì anh chàng trả lời gọn lỏn: “Thích”.
Cũng bởi vì tùy hứng nên thời gian qua có khá nhiều cầu thủ đã phải xóa đi những hình xăm cũ không đẹp do trước đây ít có thợ xăm chuyên nghiệp để… xăm lại cho đẹp hơn. Tuy nhiên, cũng do không tìm đúng chỗ xóa hình xăm chuyên nghiệp, nên nhiều người đã phải mang những mảng sẹo lồi lõm trên người đến suốt đời.
Xăm vì tình hay vì gia đình?
Công Vinh là một trong những cầu thủ xăm tên người yêu lên người
Ở thời kỳ đầu, cầu thủ thường thích xăm hoa văn hay những hình thù không nhiều ý nghĩa. Nhưng hiện nay, lại xuất hiện trào lưu xăm tên vợ, con và cả người yêu như một cách để thể hiện tình yêu gia đình của họ như Công Vinh, Hồng Sơn, Quang Hải, Đại Đồng…
Cách đây 2 năm, khi tiền đạo Lê Công Vinh xăm những ký tự TCV9 trên cánh tay phải, lúc ấy nhiều người đã rất thắc mắc dò hỏi chữ T ở trước cái tên viết tắt của anh là ai? Lúc đó, Công Vinh và ca sĩ Thủy Tiên chưa công khai chuyện tình cảm nên nhiều phóng viên đã bị Vinh cho “ăn quả lừa” khi bảo rằng đó là Tuệ - tên mẹ anh. Sau đó, sự thật của chữ T ấy được tiết lộ khiến Thủy Tiên cười nắc nẻ vì biết rõ tình cảm của chàng, nhưng nó cũng khiến mẹ của tiền đạo này cũng buồn không ít.
Nếu như việc xăm tên con là chuyện bình thường, bởi con cái cả đời chẳng đổi thay, nhưng việc xăm tên vợ và người yêu của giới cầu thủ đã bị rất nhiều người trêu chọc bằng câu hỏi:“Nếu chẳng may đường ai nấy đi thì xử lý hình xăm ấy thế nào?”Câu hỏi ấy khiến không ít anh chàng có tật trăng hoa á khẩu.
Và cũng từ trào lưu thích xăm tên vợ và con trên cơ thể, nhiều người ta đặt câu hỏi:“Tại sao giới cầu thủ rất ít, hay hầu như chẳng thấy ai xăm tên của cha hoặc mẹ, những người đã sinh thành, nuôi nấng và luôn là chỗ dựa vững chãi mỗi khi họ vấp ngã trên đường đời?”.Câu hỏi ấy chẳng biết giới cầu thủ nghĩ sao, nhưng người viết đôi lúc ưu tư tự hỏi, chẳng lẽ tình cảm với cha mẹ và gia đình của họ lại mờ nhạt đến thế, hay hầu như các cầu thủ chỉ nghĩ đến gia đình riêng?
Từ việc ấy, tự dưng lại thấy quý Quả bóng vàng 2009 Phạm Thành Lương, với 4 hình xăm kiểu chữ triện “Long-Thành-Đô-Lương” (tên của 4 anh em ruột) trên cánh tay phải. Với Lương, tình cảm gia đình là không thể thay đổi và Lương rất yêu quí những anh trai của mình, bởi họ luôn là chỗ dựa vững chắc cho cậu trong sự nghiệp. Vì thế, Lương khắc tên 4 anh em để luôn nhắc nhở mình không bao giờ được quên tình cảm đó.
Cái giá của những hình xăm
Cầu thủ Quốc Long của Hà Nội T&T (trái)
Những năm gần đây, khi các đội bóng từ cấp CLB đến ĐTQG thường xuyên có cơ hội đi tập huấn lẫn thi đấu ở nước ngoài, và đó chính là cơ hội cho các cầu thủ bổ sung những hình xăm mới. Với truyền thống lâu năm, nên các nước trong khu vực ĐNÁ như Indonesia, Thái Lan, Philippines… được đánh giá cao trong kỹ thuật xăm và giá cũng rẻ, bởi vậy mà rất nhiều hình xăm của giới cầu thủ Việt Nam đã được những nghệ nhân ở các nước ấy (nhất là Thái Lan) thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn có những sản phẩm xuất phát từ các nghệ nhân ở châu Âu, nhưng giá khá cao. Chẳng hạn như hình chiến binh La Mã trên bả vai của tiền đạo Công Vinh. Thích xăm hình chiến binh La Mã đã lâu, nhưng CV9 vẫn chưa tìm được mẫu ưng ý ở Việt Nam. Nhân dịp sang Bồ Đào Nha thi đấu cho CLB Leixoes, Vinh đã tìm được mẫu và xăm luôn, dù giá của cái hình xăm nho nhỏ ấy tính ra những gần 20 triệu đồng.
Sau đó, Công Vinh về nước, thủ môn Dương Hồng Sơn rất thích mẫu xăm của bạn nên đã nhờ một tay rocker (nổi tiếng về kỹ thuật xăm mình ở TP.HCM) sao y bản chính hình xăm ấy trên bả vai. Tiếc là chiến binh La Mã của Dương Hồng Sơn dù đã được sao chép gần như chuẩn xác, nhưng xem ra vẫn không có hồn bằng nguyên bản của CV9.
Ngoài ra, tay rocker kể trên còn “khắc dấu” cho rất nhiều cầu thủ như Sỹ Sơn, Đại Đồng, Quốc Long… Riêng hình vị thần cổ theo truyền thuyết Nhật Bản được anh này xăm trên bả vai của hậu vệ Đại Đồng vẫn chưa được “điểm nhãn” (xăm đôi mắt). Vì thế, mọi người kháo nhau rằng do vị thần đó chưa có mắt nên Đồng “đen” dạo này đá toàn… lạc địa chỉ và gặp nhiều chuyện đen đủi.
Dòng chữ tiếng Anh xăm trên tay của Công Vinh hồi còn ở Bồ Đào Nha bị một bà thầy bói phán là bị “ám”, vì thế nó khiến anh luôn gặp xui xẻo và vụ việc lạy trọng tài cũng từ “cánh tay ma ám” ấy gây ra. Công Vinh sợ xanh mặt và lại phải nhờ bà thầy làm phép để “trục tà”.
Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng hoàn toàn đứng ngoài trào lưu xăm mình dù anh này trông rất dân chơi. Thắng láu lỉnh nói: “Đồng đội xăm nhiều quá nên em không xăm để tạo sự khác biệt. Ngoài ra, em sợ… đau, hì hì”.
Theo Zing.vn