Giới cầu thủ, nhất là những người thi đấu cho các đại gia V-League thường kiếm tiền khá dễ dàng. Ngoài khoản lương cứng lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng, họ cũng thu về kha khá tiền thưởng nếu như cùng đội bóng của mình giành kết quả cao. Nếu như chơi cho Hà Nội T&T, thường xuyên đá chính và ghi một vài bàn thắng thì thu nhập mỗi tháng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể tới khoản tiền lót tay mỗi khi đặt bút kí hợp đồng, “bèo” cũng phải lên tới 10 chữ số.
Tiền kiếm dễ thì tiêu cũng dễ. Nhiều người thích mua sắm đồ hiệu, mua xe sang để “sĩ diện với đời”. Có người lại bị máu đỏ đen làm mờ mắt, nướng tiền vào những trò cờ bạc, cá độ vô bổ. Không cần phải kể lại, người hâm mộ cả nước có thể dễ dàng chỉ mặt, đọc tên hàng loạt những trường hợp “dính chàm” trong quá khứ. Có rất ít cầu thủ sử dụng khoản thu nhập cao của mình để đầu tư kinh doanh và làm những việc có ích. Thế mới có những tâm sự rất thật của một “triệu phú đá bóng” rằng không biết mai này mình sẽ làm gì, sinh sống ra sao khi đến tuổi giải nghệ.
Cầu thủ Việt Nam không được trang bị nền tảng kiến thức và văn hóa đầy đủ do sự thiếu đồng bộ giữa hệ thống huấn luyện cầu thủ trẻ và công tác giáo dục. Thế nên ngay cả khi biết rằng mình cần phải sử dụng số tiền đang có để làm vốn đầu tư, kinh doanh thì họ cũng không biết sẽ phải bắt đầu như thế nào. Có suy nghĩ, nhưng nghĩ nhiều mà không ra thì đau đầu và thôi không nghĩ nữa để rồi bị cuốn theo vòng xoáy vô hình của vô vàn những cám dỗ dành cho những kẻ lắm tiền.
Nhìn sang nhiều nền bóng đá phát triển, cầu thủ của họ cũng giàu có, cũng ăn chơi nhưng rất nhiều người biết nhìn xa trông rộng để hướng đến tương lai. Không đâu xa, cứ nhìn vào Kiatisuk – huyền thoại bóng đá Thái Lan thì sẽ rõ. Cựu tiền đạo này từng suýt chút nữa trở thành một giảng viên Vật lý nếu như không chọn con đường bóng đá. Việc được học tập đầy đủ, nhận sự giáo dục phù hợp của gia đình và xã hội giúp Kiatisuk có những suy nghĩ cẩn trọng về cách tiêu tiền.
Trong cuốn hồi kí của mình, Kiatisuk tiết lộ rằng nếu như kiếm được số tiền 100 Bath, anh sẽ để dành 50 Bath, chi tiêu 20 Bath, 10 Bath để biếu gia đình còn 20 Bath còn lại phục vụ cho những công việc phát sinh. Kiatisuk nhờ “công thức” này mà luôn đảm bảo được tình hình tài chính của mình ngay cả khi giải nghệ và có thời gian “thất nghiệp” không hề ngắn. Bên cạnh đó, việc tích lũy được vốn liếng giúp Kiatisuk dễ dàng phát triển ý tưởng kinh doanh của mình và bây giờ, người Thái không chỉ biết đến anh trên tư cách một cựu cầu thủ mà còn là một doanh nhân thành đạt.
Cầu thủ Việt Nam rất cần những người như thế để nguồn tiền khổng lồ đổ vào bóng đá không bị tiêu tốn lãng phí thông qua những buổi chè chén, tụ tập ồn ào ở những quán bar đắt tiền hay cho những thú vui vô bổ khác…
Theo Xzone.vn