Sự thật về bản hợp đồng 20 năm của VFF với AVG

camnhung |

Phải chăng, VFF đã qua mặt Bộ VH-TT&DL để ký với AVG một bản hợp đồng về bản quyền truyền hình?

Bản hợp đồng giữa VFF và AVG về bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam bị VPF đề nghị xem xét về tính hợp pháp. Vậy sự thật là VFF đã báo cáo và Bộ VH-TT&DL đã có từng có ý kiến thế nào?

Ngày 4.1.2012, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Nguyễn Đức Kiên đã ký công văn gửi Bộ Tư pháp, Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xem xét tính hợp pháp của Hợp đồng số 08/HDD2010/VFF-AVG ngày 8.12.2010.

Việc hợp tác giữa VFF và AVG đã được VFF báo cáo và được Bộ VH-TT&DL cho ý kiến chỉ đạo

Công văn do ông Kiên ký viết: “Mặc dù Công ty VPF luôn mong muốn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của VFF, nhưng VPF nhận thấy nếu thực hiện hợp đồng nói trên sẽ không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”.

Bên cạnh đó, một tờ báo đã thông tin rằng cơ quan chủ quản của VFF là Bộ VH-TT&DL không hay biết về bản hợp đồng có thời hạn 20 năm giữa VFF và AVG.

Vậy phải chăng, VFF đã qua mặt Bộ VH-TT&DL để ký với AVG một bản hợp đồng về bản quyền truyền hình? Lật tìm tài liệu về vụ việc, câu trả lời thật bất ngờ.

Ngày 13.5.2010, Bộ VH-TT-DL có Thông báo số 1593/TB-BVHTTDL ghi rõ: “Ngày 7 tháng 5 năm 2010, tại Bộ VH-TT&DL, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Danh Thái đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) về kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực truyền thông các sự kiện thể dục thể thao tại Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục Thể dục thể thao và các liên đoàn, hiệp hội và bộ môn thể thao.

Sau khi nghe đại diện Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu báo cáo kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực truyền thông các sự kiện thể thao tại Việt Nam, ý kiến phát biểu, thảo luận của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Danh Thái kết luận:

1) Ủng hộ đề xuất hợp tác lâu dài, toàn diện trong việc phát triển công tác truyền thông, truyền hình đối với các hoạt động thể thao tại Việt Nam của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu.

2) Đề nghị Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu làm việc cụ thể với các liên đoàn, hiệp hội và các bộ môn thể thao để thống nhất cơ chế hợp tác trên nguyên tắc đảm bảo tuyên truyền, quảng bá các sự kiện thể thao tại Việt Nam đến người dân cả nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các liên đoàn, hiệp hội, các bộ môn thể thao và Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu”.

Gần 1 tháng sau, ngày 8.6.2010, VFF có Công văn số 513/CV-LĐBĐVN-2010 gửi Bộ VH-TT-DL. Công văn viết “Trong thời gian qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (LĐBĐ VN) đã làm việc với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) và đã cơ bản thống nhất về phương hướng hợp tác với nội dung chính như sau:

(i) Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên là đơn vị bảo trợ về truyền thông sẽ thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam trong và ngoài nước;

(ii) Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên là đơn vị duy nhất khai thác và phân phối bản quyền truyền hình bóng đá trong và ngoài nước trên các phương tiện truyền hình;

(iii) Thời hạn của Hợp đồng từ năm 2010 tới năm 2030.

...Do đây là hợp đồng dài hạn (20 năm). Do đó, LĐBĐVN xin ý kiến của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực thi hợp đồng nêu trên”.

Bảy ngày sau, ngày 15.6.2010, Bộ VH-TT-DL có công văn số 2026/ BVHTTDL-VP trả lời như sau: “Phúc đáp Công văn số 513/CV-LĐBĐVN-2010 ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam về việc hợp tác khai thác bản quyền truyền hình bóng đá với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau:

1) Đồng ý chủ trương với các thống nhất hợp tác giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) như tại Công văn số 513/CV-LĐBĐVN-2010 ngày 08 tháng 6 năm 2010.

2) Việc hợp tác khai thác bản quyền truyền hình bóng đá với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên là quyền của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Vì vậy, Liên đoàn bóng đá Việt Nam chủ động làm việc, thống nhất với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo để Liên đoàn bóng đá Việt Nam biết và thực hiện”.

Có lẽ, đây chính là nút thắt của “cuộc chiến” bản quyền truyền hình giữa VFF và VPF và cũng là “cây gậy” khiến Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tuyên bố: “Anh Kiên đã sai khi đưa ra một công văn mang tinh thần loại AVG ra khỏi cuộc chơi. Trước đó, tôi đã phân tích, khuyên nhủ anh ấy rất nhiều rồi, nhưng mà không được”.

Theo Cao Kiên

Danviet.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại