10 năm bước qua bóng đá chuyên nghiệp, V-League thay đổi chóng mặt về giá chuyển nhượng và cuộc đua tiền giữa các CLB. Không chỉ việc BTC lách án, trọng tài bị bắn "thủng" lỗ chỗ, không ít trận đấu V-League nặng mùi bán độ vẫn bị đánh "chìm xuồng", dù dư luận lên tiếng chỉ trích nhiều năm qua.
Mùa 2001, trưởng giải Ngô Tử Hà xử Công An HN
Mùa giải 2001, cựu trưởng giải Ngô Tử Hà đã xử nặng Công An HN mà không cần bằng chứng. Trong trận đấu tại Hàng Đẫy, đội chủ nhà có tư tưởng thi đấu thiếu tích cực trước đối thủ Thừa Thiên - Huế. Kết quả ông Hà trừ 1 điểm và phạt 50 triệu vì lỗi nhường điểm cho đối phương.
Dù lãnh đạo đội Công An Hà Nội bất bình và phản ứng quyết liệt, BTC giải vẫn giữ nguyên án. Kết quả sau đó, ông Ngô Tử Hà phải sắm cả roi điện phòng thân khi ra đường. Thời điểm ấy, chuyện nhường điểm xuất hiện khá nhiều ở V-League, nhưng đây là án phạt đầu tiên không cần bằng chứng từ BTC giải.
Thể Công (áo đỏ) từng bị phạt vì để thua tai tiếng Cảng Sài Gòn
Năm 2003, trưởng giải Trần Duy Ly xử phạt đội Thể Công
Năm 2003, vụ kỳ án về trận đấu có "mùi" giữa Thể Công - Cảng Sài Gòn cũng được trưởng giải Trần Duy Ly xử nặng tay. Dù xuất thân là cầu thủ Thể Công, nhưng ông Ly không thể ngó lơ khi đội bóng Thể Công thua đầy tai tiếng trước đội khách.
Trước phản ứng từ khán giả trên sân, lẫn phản ánh báo chí, ông Ly trừ đội Thể Công 3 điểm và phạt 50 triệu. Sau đó, lãnh đạo đội quân đội cũng có phản ứng, nhưng ông Ly vẫn giữ vững lập trường. Đây là lấn thứ 2, BTC giải mạnh tay chống lại các trận đấu tiêu cực tại V-League.
Năm 2008, Sông Lam Nghệ An bị xử vì thua lộ HN.ACB
Năm 2008, đội bóng HN.ACB của bầu Nguyễn Đức Kiên có chiến thắng tai tiếng trước TCDK Sông Lam Nghệ An. Sau khi mổ băng, Ban kỷ luật thừa nhận 3/4 bàn thua của TCDK.SLNA ở trận này là có dấu hiệu đáng ngờ.
Ngoại trừ bàn thua thứ 3 do… trọng tài Hồ Huy Hồng bị Charles Mbabazi đánh lừa với cú ngã rất đẹp trong vòng cấm, 3 bàn thua còn lại đều xuất phát từ sai sót cá nhân của hàng hậu vệ TCDK.SLNA.
Dù Sở VH,TT&DL Nghệ An khẳng định đội nhà không nhường điểm, nhưng bộ ba Đình Đồng Hồng Tiến, Viết Nam vẫn bị treo giò một số trận. Đây cũng là kỳ án được xử thứ 3 và cuối cùng tại V-League trong 10 năm qua.
K.Khánh Hòa (áo vàng) bị khán giả nhà nghi "bán độ" trận thua QK4
Năm 2009, K.Khánh Hòa bị nghi "thả" QK 4 trụ hạng
Từ thời bao cấp, đội bóng Khánh Hòa nổi tiếng là "Vua trụ hạng", với nhiều cú thoát rớt hạng ngoạn mục. Đến khi lên chuyên nghiệp, CLB phố biển cũng có những trận đấu gây ầm ỹ tại V-League.
Còn nhớ năm 2009, trong trận đấu cuối cùng, K.Khánh Hòa nếu thắng sẽ đẩy QK 4 xuống hạng. Chơi trên sân nhà, đội bóng K.Khánh Hòa chơi dưới sức một cách kỳ lạ để thua QK 4. Còn TP.HCM cay đắng rớt hạng khi thua ngược 3-2 trước B.Bình Dương ngay tại sân Thống Nhất.
Năm 2011, 5 trận đấu "có mùi" xuất hiện
Mùa giải 2011 rất nhiều trận đấu diễn ra có vấn đề thực sự, với 5 trận bị đặt vào "tầm ngắm" điều tra. Đầu tiên là CS.Đồng Tháp trở thành "ngân hàng" điểm ở giai đoạn lượt về, sau khi an tâm trụ hạng. Những trận thua đậm 0-3 trước Thanh Hóa, 1-2 trước ĐTLA, đặt ra viễn cảnh đội bóng Tháp Mười tranh thủ tạo quan hệ, lẫn làm kinh tế. Đặc biệt mỗi khi gặp Đồng Tâm Long An, đội bóng này thường thua đậm, nhất là trận thua 0-6 tại Cao Lãnh vào mùa giải 2010, khiến CĐV Đồng Tháp bất bình, phản đối đội bóng.
LS.Thanh Hóa (áo xanh) có trận thua ngược 2-3 trước SLNA
Chưa kể những trận đấu có mùi khác như Hòa Phát HN thắng 2-1 Sông Lam NA, ĐTLA thắng ngược 4-3 Hoàng Anh GL cũng gây điều tiếng. Nhưng trận đấu nặng "mùi" nhất lại diễn ra trên sân Thanh Hóa và Sông Lam NA tại vòng 21. Lúc ấy đội chủ nhà Thanh Hóa đang có mặt tốp 3, chỉ cần thắng đối thủ sẽ rộng cửa vô địch.
Đội chủ nhà sớm dẫn trước 2 bàn, khiến lãnh đạo thành phố và người dân xứ Thanh mở cờ trong bụng. Đùng một cái, đội chủ nhà thả cửa để thua bạc nhược 2-3. Kết quả, dư luận gây sức ép khiến HLV Lê Thụy Hải phải rời ghế, dù tạo ra bộ mặt thay đổi cho bóng đá Thanh Hóa.
Theo VnMedia