1. Sau cú đúp trước Los Angeles Galaxy là hai bàn thắng vào lưới AS Roma, trong đó có một tuyệt tác sút xa, Wayne Rooney có vẻ như đang rất quyết tâm ghi điểm trong mắt ông thầy mới Louis van Gaal.
Trước AS Roma, “số 10” thậm chí còn góp công trong cả ba bàn thắng, bởi chính anh là người đã phóng đường chuyền như đặt từ khoảng cách hơn 40 mét cho Juan Mata trước khi cầu thủ này nâng tỷ số lên 2-0 bằng một cú lốp bóng tinh tế.
Đó là một bàn thắng gợi nhớ đến pha làm bàn của Dennis Bergkamp vào lưới Argentina tại France 1998, sau cú phất bóng siêu dài của Frank de Boer. Và chính Van Gaal, dù rất khó tính, cũng phải ngợi khen hai cậu học trò. Ông hể hả “Đó đúng là những gì tôi muốn. Rooney chuyền bóng bằng não và Mata cũng chạy chỗ bằng não”.
Trước trận này, Rooney cũng không ngần ngại bộc lộ khát khao mang tấm băng đội trưởng của Man United, để đưa đội bóng đến ngôi vô địch Premier League. Thật ra, sau khi những tên tuổi kỳ cựu như Rio Ferdinand, Nemanja Vidic và Patrice Evra ra đi, còn Giggs từ giã sự nghiệp, nhiều người nghĩ rằng Rooney xứng đáng đeo băng đội trưởng hơn cả.
Anh gắn bó với CLB đã 10 năm, và là người thi đấu nhiều nhất cho đội bóng hiện nay (442 trận). Không những thế, anh còn là một người truyền lửa thực sự của đội bóng, với khả năng tỏa sáng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Đối thủ lớn nhất của Rooney, trong cuộc đua này, chỉ là Robin van Persie, đồng hương của Van Gaal.
2. Nhưng ở hai trận đấu vừa qua, khi Van Persie vẫn chưa thi đấu vì được nghỉ thêm sau kỳ World Cup mà tuyển Hà Lan giành giải ba, thì người mang băng đội trưởng Man United vẫn không phải Rooney. Darren Fletcher mang băng thủ quân suốt 90 phút ở trận gặp LA Galaxy, trong khi người lãnh trách nhiệm này trước AS Roma là… Tom Cleverley, một cầu thủ bị xem là tài năng mãi không chịu lớn của Man United.
Điều gì khiến Van Gaal chưa tin tưởng Rooney? Chắc chắn không phải vấn đề chuyên môn, bởi thực tế anh vẫn là cầu thủ duy nhất của Man United tiệm cận đẳng cấp của một siêu sao. Hay là quá khứ của anh với tì vết là những lần cãi cọ, đòi ra đi dưới thời Sir Alex? Lý do đó cũng chưa thực sự thuyết phục.
Chỉ có một cách lý giải: những cầu thủ chơi sang cả hiệp hai sẽ được mang băng đội trưởng, còn những vị trí sẽ bị thay thế nhằm phục vụ ý đồ chiến thuật của van Gaal thì không. Fletcher ở trận trước là một minh chứng. Cleverley cũng là cầu thủ duy nhất không bị thay ra sau hiệp một ở trận đấu với AS Roma, dù trong 69 phút trên sân, anh thi đấu khá mờ nhạt.
3. Cách đây hai năm, trong lần trở lại dẫn dắt đội tuyển Hà Lan, Van Gaal không trọng dụng Van Persie mà coi Klaas Jan Huntelaar là chân sút số một. Rất nhiều người đã nghĩ rằng Van Persie sẽ bất mãn và tỏ thái độ chống đối. Nhưng chân sút này đã tôn trọng quyết định của HLV và trả lời bằng những nỗ lực trên sân tập.
“Tôi cho rằng đó là thái độ cực kỳ chuyên nghiệp và một tinh thần không phải cầu thủ nào cũng có. Tôi chợt nhận ra con người thật đằng sau một cầu thủ của Van Persie. Tôi cũng nhận ra Van Persie là mẫu cầu thủ tôi có thể chia sẻ về triết lý bóng đá”, Van Gaal thừa nhận sau khi trao băng đội trưởng cho chân sút này.
Rất có thể, Rooney cũng đang bị Van Gaal thử thách như thế. Điều chiến lược gia này cần ở anh bây giờ, bên cạnh tài năng, chính là sự nỗ lực và tinh thần cầu tiến. Khi Van Gaal thật sự tin tưởng vào điều đó, Rooney sẽ được đền đáp xứng đáng.