Góc độc giả: Ai khóc cho kiếp VĐV?

Tùng Lâm (Quỳnh Mai, Hà Nội) |

(Soha.vn) - Từ vụ việc của nữ VĐV Trương Thanh Hằng, NHM như tôi thêm một lần nữa nhận ra rằng cuộc sống của những VĐV đằng sau ánh hòa quang có thật lắm đắng cay.

Ngày trước, khi nước ta còn ở thời kỳ binh đao, chiến tranh loạn lạc thì những người lính, những bà mẹ Việt Nam anh hùng chính là những hình ảnh oai hùng và bi tráng nhất. Họ đã hy sinh thân mình, hy sinh những gì quý giá nhất cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam để mang về bình yên cho tổ quốc.

Đến ngày hôm nay, khi không còn tiếng bom rơi, súng rền thì cũng có rất nhiều con người khác đáng được gọi là anh hùng, trong số đó có thể kể tới những VĐV thể thao. Tất thảy những ai đã, đang và sẽ có mặt tại các TTTDTT ở Việt Nam liệu có ai là không mơ ước tới vinh quang? Họ đâu tiếc mồ hôi công sức và cả tuổi xuân của mình để tập luyện, cống hiến cho đất nước với hy vọng có được tấm huy chương làm rạng danh non sông.

	Vụ việc của Trương Thanh Hằng cần phải làm cho cặn kẽ

Vụ việc của Trương Thanh Hằng cần phải làm cho cặn kẽ

Nhưng ngẫm lại từ nhiều vụ việc và điển hình nhất của nữ VĐV Trương Thanh Hằng trong thời gian gần đây, quả thực tôi cảm thấy không hài lòng với cách đối xử của những con người có chức có quyền trong nghành thể thao.

Việc HLV Nguyễn Tuấn Anh quấy rối tình dục với nữ VĐV Trương Thanh Hằng trước hết xin nói đó là một hành vi phạm tội. Thứ đến, nó còn làm xấu đi hình ảnh cũng như phẩm giá của một người thầy đối với chính học trò của mình. Chưa kể tới tiệc sau này nó sẽ để lại một tiếng xấu, một hậu họa khôn lường cho chính bản thân Trương Thanh Hằng hay những lứa VĐV kế cận với nỗi ám ảnh “được” các thầy quan tâm quá mức. Lớp VĐV trẻ họ sẽ nghĩ, đến ngay như một nhân vật có tên tuổi như chị Thanh Hằng còn bị quấy rối nói gì đến mình...

Vậy mà ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, lại nghĩ rằng chuyện này có thể xử lý nội bộ và cách chức HLV của Nguyễn Tuấn Anh là đủ nặng rồi và thầy Tuấn Anh sẽ được chuyển sang đảm nhiệm một cương vị khác.

Phạm lỗi nghiêm trọng xong rồi họp cảnh cáo nội bộ, tiếp đến là thuyên chuyển công tác sang một chức vụ khác… nếu vậy thì còn ai sợ, ai nể các vị lãnh đạo nữa. Được một lần rồi sẽ có lần thứ hai, không làm tới nơi tới chốn vụ này thì ai dám đảm bảo rằng sẽ không có những vụ việc tương tự xảy ra. Và chung quy lại người bị thiệt thòi nhất vẫn cứ là VĐV.

Đó là trong môn điền kinh, còn khá nhiều môn thể thao khác mà quyền lợi của VĐV bị xem nhẹ, ngay cả bóng đá - bộ môn được coi trọng nhất, cũng vậy thôi. Sự khác biệt giữa tuyển Nữ và tuyển Nam là quá rõ ràng. Người thì ăn tập ở SVĐ Quốc Gia, đi tập huấn ở châu Âu, thắng trận một cái là được thưởng cả trăm triệu… còn kẻ thì phải đá tập với nhau trên sân bóng rổ. Thế rồi khi nhận ra rằng chính lúc này ĐT Nữ mới là những người có thể mang về chút tiếng tăm cho bóng đá nước nhà khi cánh cửa World Cup 2015 đang ở ngay trước mắt thì mọi người mới bắt đầu rối rít trao tặng tiền thưởng, bằng khen…

Nhưng nói vậy không có nghĩa là các nam cầu thủ được đối đãi như những ông Hoàng. Khi cầu thủ thuộc ĐT nam Việt Nam mang được vinh quang về cho tổ quốc hay CLB, các anh được thưởng rất nhiều. Nhưng khi các anh gặp chuyện, nào ai để ý tới. Có thể lấy hai ví dụ điển hình nhất là trường hợp của Văn QuyếnCông Vinh.

	Khi Công Vinh bị chấn thương, anh cũng phải tự lo lấy thân mình vì chẳng được ai quan tâm

Khi Công Vinh bị chấn thương, anh cũng phải tự lo lấy thân mình vì chẳng được ai quan tâm

Chuyện cầu thủ chấn thương thì tất nhiên CLB chủ quan phải đứng ra chịu trách nhiệm, nhưng khi anh ta chấn thương trong quá trình phục vụ đội tuyển thì Liên đoàn cũng không thể rũ bỏ mọi thứ.Thế nhưng, Văn Quyến chỉ như “cục nợ” được SLNA và VFF đá qua đá lại, đùn đẩy trách nhiệm lo tiền cho anh đi chữa trị, mặc dù biết là nếu không sớm chữa dứt điểm thì hậu quả sẽ khôn lường.

Còn như Công Vinh, anh chẳng thể chờ đợi những việc làm nhân nghĩa từ bầu Hiển hay gọi chung là BLĐ Hà Nội T&T nên đành phải bán đi chiếc xe Mercedes Benz SLK 200 để tự thân đi chữa bệnh. Nếu vậy, xin được hỏi lại VFF hay CLB thực sự coi trọng và nâng niu cầu thủ hay chỉ đơn giản là bỏ tiền ra để "câu" danh hiệu từ những người phải dốc sức trên sân?

Đó là còn chưa kể tới biết bao nhiêu trường hợp các VĐV khác phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng với đồng lương còm cõi và một tương lai mờ mịt sau khi dốc sức phục vụ quốc gia. Tôi chợt nghĩ, nếu không có một sự đãi ngộ phù hợp hay động thái rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của các VĐV thì sau này chẳng còn mấy ai muốn cố hiến thân mình cho tổ quốc, cho thể thao nước nhà…

*Bạn đọc có thể gửi những bài viết tâm đắc hoặc góc nhìn cá nhân về tòa soạn theo email: thethao@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần comment cuối bài.

Những bài viết có chất lượng tốt sẽ được chúng tôi biên tập và đăng lên trang trong mục Thể Thao của SohaNews*

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại