Đội tuyển Việt Nam: Hình bóng Falko Goetz

huongngan |

Đội tuyển Việt Nam đã nhấn chìm Macau (TQ) trong một trận đấu chênh lệch quá lớn về đẳng cấp.

Chỉ có 2 tuần làm việc và 2 trận giao hữu là quá ít để HLV Falko Goetz có thể áp đặt được thứ triết lý bóng đá đẹp, hoặc xây dựng lối chơi đậm chất Đức cho đội tuyển Việt Nam như ông đã từng đề cập trong ngày ký hợp đồng với VFF. Hơn nữa, trước một Macau (TQ) quá yếu đã khiến cho nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề, đâu là dấu ấn của ông thầy người Đức.

Mặc dù vậy, bóng đá Việt Nam dưới triều đại của HLV người Đức đang có những chuyển biến tích cực. Về mặt lối chơi, HLV Falko Goetz mạnh dạn “đập bỏ” sơ đồ chiến thuật 4-5-1 của đồng nghiệp tiền nhiệm Calisto vốn được cho là lỗi thời với con người của bóng đá Việt Nam, hoặc ông cũng không chấp nhận để đội tuyển vận hành theo sơ đồ 4-2-3-1 như trợ lý 1 Mai Đức Chung đặt ra.

Thay vào đó, Falko Goetz nhanh chóng chứng tỏ năng lực của một HLV giỏi, đến từ nền bóng đá hàng đầu thế giới bằng cách đưa đội tuyển Việt Nam trở về sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Rõ ràng, ông thầy người Đức có lý khi với sơ đồ chiến thuật 2 tiền đạo và 1 hàng tiền vệ hình thoi đã giúp cho lối chơi tấn công của đội tuyển đa dạng hơn, khai thác được sức mạnh của những cầu thủ trên hàng công thay vì bó họ vào lối chơi cầu toàn, có phần mang tính rình rập như dưới thời Calisto.

Vấn đề ở chỗ, sự thay đổi của Falko Goetz được đánh giá cao bởi khi chân ướt, chân ráo đến Việt Nam ông đã được ấn vào tay một BHL, những người không phải do chính tay ông lựa chọn, danh sách gần 30 tuyển thủ cũng như kế hoạch thi đấu giao hữu của đội tuyển cũng do VFF đặt ra. Có nghĩa, Falko Goetz bị động từ khâu nhân sự cho đến kế hoạch chuẩn bị. Sức ép bắt đầu gia tăng với thầy người Đức sau khi đội tuyển thi đấu nhạt nhòa trong 2 trận giao hữu. Những hạn chế cố hữu của bóng đá Việt Nam được bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, những trận đấu ấy có lẽ đã mang đến cho riêng Falko Goetz nhiều bài học, để rồi ông đã phần nào áp đặt được triết lý bóng đá lên đội tuyển Việt Nam trước Macau (TQ). Đó là lối chơi nhanh, ít chạm nhưng có độ chính xác cao, dựa trên khả năng kiểm soát bóng và áp đặt thế trận từ giữa sân. Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội ghi bàn từ các tình huống cố định vốn được coi là điểm yếu dưới thời Calisto.

Về mặt sử dụng con người, Falko Goetz đã để lại ấn tượng đậm nét, đặc biệt trên hàng công. Chỉ cần xem băng ghi hình, ông đã đề nghị triệu tập Ngọc Thanh và tiền đạo của SHB Đà Nẵng nhanh chóng chứng tỏ năng lực. Nhiều người cho rằng, nếu còn HLV Calisto cũng có nghĩa Thanh “khùng” không có cơ hội lên tuyển. HLV Falko Goetz cũng biết đánh trúng lòng tự tôn của Lê Công Vinh.

Những lời chê bai của ông thầy người Đức trên sân Hàng Đẫy thực sự khiến Công Vinh tự ái. Tiền đạo xứ Nghệ hăng say tập luyện, thậm chí Vinh còn tập thêm giờ, điều khá hiếm với giới cầu thủ ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Nhờ đó, Vinh đã trở lại trong vai trò tiền đạo số 1 Việt Nam và có vẻ như, một số kỹ năng của tiền đạo này còn được cải thiện đáng kể dưới bàn tay của Falko Goetz.

Quyết định loại Tấn Trường, “công thần” trong khung thành đội tuyển, và đưa Mạnh Dũng vào bắt chính cũng là dẫn chứng cho năng lực và sự quyết đoán của Falko Goetz trong cách dùng người. Và người ta sẽ phải ngả mũ thán phục Falko Goetz khi ông quyết định để Trọng Hoàng, Văn Quyết mới được tăng cường từ Olympic QG, vừa trải qua 2 trận đấu tốn sức với Olympic Saudi Arabia, vào sân đá chính chứ không phải Đình Tùng hay Duy Nam.

Chiến thắng 6 – 0 trước Macau (TQ) gần như đã đưa đội tuyển Việt Nam vào vòng 2, gặp Qatar. NHM Việt Nam đang chờ đợi thêm những điều bất ngờ từ Falko Goetz, đồng thời giấc mơ Vàng của bóng đá Việt Nam ở SEA Games 26 cũng bắt đầu được thổi bùng lên sau trận đầu dưới triều đại Falko Goetz.

Theo Bongdaso.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại