Lẽ dĩ nhiên, bất kỳ một thất bại nào cũng cần có nguyên nhân và những người chịu trách nhiệm. Thế nhưng, với thất bại của ĐTVN lần này, trách nhiệm lớn nhất chính là sự chủ quan, sự tâng bốc và chiều chuộng không đáng có đến từ giơi truyền thông và người hâm mộ.
Ai cũng có thể thấy, chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2012 quá sơ sài. Cầu thủ không mới , lối chơi cũ, tập huấn ít, thi đấu ít...
HLV Phan Thanh Hùng vẫn gọi trở lại một loạt những gương mặt cũ một như Hồng Sơn, Thành Lương, Văn Biển, Tấn Tài, Quốc Anh, Minh Đức, Công Vinh....chưa kể một số cũ khác bị chấn thương như Phước Vĩnh, Phước Tứ hay bị loại như Việt Thắng.
Nhìn vào những cái tên trên, ai cũng thấy đội tuyển có hơn nửa đội hình từng thi đấu ở AFF Cup 2010 và cả trước đó là AFF Cup 2008.
Chúng ta thi đấu tập huấn 10 trận thắng 5, hoà 3 và thua 2. Trong đó, đấu giao hữu thắng hai trận trước Malaysia, thua Trung Quốc và thua Tukmenistan.
Quá ít? Ngẫm lại ngày trước, quá trình chuẩn bị một giải đấu quan trọng như AFF Cup ( tiền thân là Tiger Cup) hay SEA Games đều có những chuyến tập huấn dài ngày Châu Âu hoặc Châu Á. Đơn cử, thời HLV Weigang, các cầu thủ có chuyến tập huấn Đức, Thuỵ Sỹ hơn 2 tháng. Thời HLV Rield, chúng ta từng tập huấn Áo, Đức.
Đến giai đoạn của HLV Tavares, đội tuyển cũng sang tập huấn ở Thành Đô (Trung Quốc). Thời HLV Calisto, đội tuyển cũng được tập huấn ở Côn Minh (Trung Quốc) và Thái Lan.
Mỗi một đợt tập huấn quốc tế, ngoài việc thay đổi không khí cho các cầu thủ, còn giúp cho ban huấn luyện tìm ra những lỗ hổng, sai sót. Đặc biệt, khi đấu giao hữu, các trận đấu giúp cầu thủ học được nhiều kinh nghiệm quý giá.
Bóng đá Việt Nam kể từ sau chiếc cúp vô địch Đông Nam Á năm 2008 đã xem nhẹ những chuyến tập huấn khi cho rằng cầu thủ Việt giờ đá với ngoại binh ở V-League là đủ, đâu phải thời "bao cấp" mà ngại đối đầu với ngoại?
Có chăng, thêm vài trận đấu ở VFF Cup, Cup quốc tế TP.HCM và vài trận giao hữu lẻ tẻ nữa là ổn. Thế mới đáng bán, đáng nói sau thất bại ê chề ở vòng loại AFF Suzuki Cúp vừa qua.
Chưa hết, việc ban huấn luyện đội tuyển không lên kế hoạch cử người đi "nghía chân" đối thủ cũng là một điều sai sót lớn trong quá trình chuẩn bị AFF Cup 2012.
Buổi tập cuối cùng của ĐT Việt Nam tại Thái Lan
Trong khi đó, vốn là một HLV lão luyện và nổi tiếng, lại đang nắm một đội tuyển Thái mạnh trong khu vực thế nhưng HLV Winfried Schafer vẫn âm thầm đến Cebu để xem trận giao hữu giữa Philippines và Singapore. "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", quả không hề sai.
Giờ đây, trong giai đoạn khó khăn này, chúng ta lại đang bàn đến việc nên chọn HLV nội hay ngoại? Nhưng có ai trả Lời được là để làm gì hay không? Để vực dậy lòng tin của người hâm mộ đối với bóng đá nước nhà, với VFF?
Điều cần làm bây giờ là vạch ra một chiến lược đúng đắn, một định hướng rõ ràng cho đội tuyển Việt Nam, rồi sau đó là U-22, U-19, những lứa kế cận.
Chúng ta phải có ngay một kiến trúc sư cho cuộc cải tổ đội tuyển, chứ không phải một ông thầy dạy việc. Chức danh Giám đốc kỹ thuật lâu nay ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển không phải đặt ra cho có.
Bởi thế, việc chọn HLV nội hay ngoại giờ không phải là điều quan trọng. Quan trọng nhất lúc này là tìm một “kiến trúc sư” giỏi, am tường bóng đá VN và thấu hiểu sự phát triển của bóng đá khu vực để thực hiện một bản vẽ giúp bóng đá nước nhà phát triển.
Khi đã có GĐKT giỏi, đội tuyển từ đó, dù được trao cho thầy nội hay ngoại đều sẽ mạnh, rất mạnh vì đã phát triển từ nội lực hẳn hoi chứ không chơi theo kiểu thời vụ, từng giải, từng mùa như hiện nay.