Không chỉ bóng đá Việt Nam hỗn loạn
Bóng đá Việt Nam mấy năm qua vẫn bị chê là nghiệp dư, lĩnh lương cao. Từ thành tích kém cỏi tầm đội tuyển, các ông bầu bất phục với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), rồi thành lập công ty cổ phần bóng đá VPF.
Từ ý tưởng manh nha thành lập riêng giải đấu tách khỏi hệ thống thi đấu của VFF, VPF đứng ra chịu trách nhiệm điều hành cả giải chuyên nghiệp thay cho lãnh đạo Liên đoàn.
Những chuyện hỗn loạn từ bóng đá Việt còn từ việc bầu Kiên dính vòng lao lý, hay cựu thủ quân tuyển Việt Nam, Nguyễn Huy Hoàng, gây tai nạn trong tình trạng không kiểm soát, chỉ ra một bộ mặt u ám của bóng đá nội.
Nhưng xem ra, không chỉ bóng đá Việt Nam là hỗn loạn, mà các đội bóng còn lại ở Đông Nam Á cũng trong tình trạng như trên. Ngay như bóng đá Malaysia vốn đang thống trị 2 kỳ SEA Games, 1 kỳ AFF Cup gần nhất, cũng đang trong giai đoạn càn quét nạn cá độ tràn ngập tại giải Malaysia League.
Đây là lần thứ 3 trong 7 năm qua, Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) phải sử dụng chính sách ''bàn tay thép'' để chống lại hiện tượng móc ngoặc, bán độ ở nhiều câu lạc bộ. Và cái tên mới nhất vừa bị đưa vào vòng nghi ngờ là cựu thủ môn tuyển Malaysia, Ahmad Allaweee, sau pha đốt lưới nhà trong trận Terengganu tiếp đối thủ Kedah ở Cúp quốc gia Malaysia 2012.
Chỉ vì bất đồng giữa ông bầu và Liên đoàn bóng đá, tuyển Indonesia (đỏ) đã không đủ quân thi đấu và xin hủy trận giao hữu với tuyển Việt Nam
Bóng đá Thái Lan cũng trải qua những ngày sóng gió ở hậu trường Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT). Theo những cáo buộc gửi lên Ủy ban chống tham nhũng, FAT đã có vi phạm trốn thuế và thành lập công ty Thai Premier League để trục lợi.
Tất cả các thành viên của FAT, gồm chủ tịch Worawi Maduki, sẽ phải điều trần để chống lại các cáo buộc. Và nếu những cáo buộc đúng sự thật, FAT sẽ bị giải thể trước giải AFF Cup 2012 mà Thái Lan đồng tổ chức với Malaysia.
Chưa dừng lại đó, bóng đá Indonesia cũng nhiễu loạn trong suốt 2 năm qua. Chỉ vì những đấu đá trong nội bộ Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI), các ông bầu ở xứ vạn đảo tự đứng ra thành lập giải đấu mang tên Super Liga.
Kết quả lúc này, bóng đá Indonesia có đến 2 giải chuyên nghiệp, dẫn đến bất ổn cho đội tuyển Indonesia. Khi số tuyển thủ quan trọng của tuyển Indonesia đều đang chơi cho các đội bóng Super Liga, vốn do các ông bầu trả tiền chứ không phải của PSSI. Chính lý do trên, tuyển Indonesia đã không thể tập hợp lực lượng và xin hoãn trận giao hữu với tuyển Việt Nam vào ngày 22/9 vừa qua.
Chỉ tại nhà dột từ nóc
Trong suốt nhiều năm qua, bóng đá khu vực Đông Nam Á vẫn bị xem là ''vùng trũng'' của bóng đá thế giới. Rất nhiều lộ trình, tham vọng được đưa ra, nhưng suốt 20 năm qua, bóng đá khu vực vẫn dẫm chân tại chỗ.
Điều đáng nói nhất là khoản tiền bỏ vào bóng đá tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia... không hề nhỏ so với khu vực Tây Á, Đông Á, nhưng bước tiến về trình độ của các đội tuyển Đông Nam Á đều rất chậm.
Thành tích có phần thụt lùi từ nhiều năm qua của ''vùng trũng'' bắt nguồn từ lối làm việc thiếu khoa học, hoạch định từ nhiều Liên đoàn bóng đá trong khu vực. Như chủ tịch FAT Maduki từng nhiều lần bị tố tham nhũng trong suốt nhiều năm điều hành bóng đá Thái Lan. Nó dẫn đến việc bóng đá Thái Lan từ vị trí số 1 khu vực đang tụt hậu lại trong 3 năm gần đây.
Với tình trạng hỗn loạn trong bóng đá khu vực, các đội tuyển Đông Nam Á vẫn chưa thể thoát khỏi hình ảnh ''vùng trũng'' ở AFF Cup 2012
Chính từ hoạt động thiếu hiệu quả từ cấp Liên đoàn, các ông bầu ở Indonesia đã công khai thành lập giải chuyên nghiệp riêng song hành giải đấu do PSSI tổ chức.
Và cuộc cách mạnh như thế cũng xuất hiện ở trong lòng bóng đá Việt Nam, Thái Lan, khi chỉ số niềm tin từ VFF, FAT tạo ra trong dư luận không còn. Chỉ bóng đá Malaysia là không dính những câu chuyện như thế, nhưng lãnh đạo FAM đang đau đầu chống lại nạn bán độ đã trở thành ''quốc dịch'' đối với bóng đá Malaysia trong suốt nhiều năm qua.
Có thể ví bóng đá Đông Nam Á là một ngôi nhà bị dột từ nóc. Vì thiếu đi những giá trị vững chắc, có tính nền tảng từ cấp Liên đoàn, dẫn đến đời sống bóng đá liên tục có xáo trộn, bất ổn từ chính các đội tuyển trong khu vực. Chính từ những lý do kể trên, bóng đá khu vực luôn rơi tình trạng hỗn loạn và chưa thể phát triển, dù đầu tư không ít tiền bạc, lực lượng khán giả thuộc diện cuồng nhiệt nhất thế giới.
Trước thềm AFF Cup 2012, bóng đá Đông Nam Á vẫn chưa thể thoát khỏi sự tụt hậu so với phần còn lại.
Không chỉ vì tư tưởng ''ao làng'' còn chiếm hữu trong cách làm bóngđá của các nước trong khu vực, mà chính hoạt động thiếu hiệu quả, thiết thực từ các Liên đoàn khiến bóng đá Đông NamÁ vẫn chỉ an phận với vị trí ''vùng trũng'' trong bản đồ bóng đá thế giới.