Ông Đức trách Tăng Tuấn, rằng đã nhận được sự chăm bẵm của ông từ khi còn là một cầu thủ trẻ nhưng vẫn mải miết đi theo tiếng gọi của đồng tiền, rời bỏ HAGL. Sự trách móc ấy là có cơ sở bởi lâu nay ông Đức vẫn tin rằng những “mầm non” trưởng thành từ phố núi sẽ mãi trung thành với mình mà không bị cám dỗ bởi tiền bạc.
So với lời đề nghị gia hạn hợp đồng trị giá 3 tỷ của HAGL thì 8 tỷ mà Bình Dương đặt lên bàn đàm phán với Tăng Tuấn có sự chênh lệch cực lớn. Khoảng cách 5 tỷ đồng đủ để Tăng Tuấn chấp nhận “bị nói xấu” để đầu quân cho đội bóng có chế độ đãi ngộ tốt và tham vọng hơn. Với một người giàu có như bầu Đức, việc mất quân vì lý do tiền bạc quả thực là một điều quá đỗi bất ngờ. Thế nên, ông trách cầu thủ cũng là điều dễ hiểu.
Bầu Đức trách móc Tăng Tuấn nhưng cũng nên xem lại chính mình
Nhưng trách móc Tăng Tuấn trên phương diện cá nhân, tình cảm thì còn có thể lý giải. Ông Đức lại quay sang trách cả một nền bóng đá và cơ chế hoạt động của nó (đặc biệt là chuyển nhượng). Ông quên mất rằng, khi bóng đá Việt Nam chập chững bước lên chuyên nghiệp, chính HAGL của ông là cái tên tiên phong trong việc dùng tiền bạc để thu hút nhân tài.
Ông Đức là người tài giỏi, thành công trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương trường. Nhưng không phải bất cứ điều gì ông nói cũng là chính xác. Tăng Tuấn hay bất cứ cầu thủ nào khác, bán sức lao động và chuỗi ngày tuổi trẻ của mình nên họ phải tìm đến với những “người mua” trả giá cao nhất. Đó là quy luật tất yếu mà lẽ ra ông Đức phải hiểu rõ hơn ai hết.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bầu Đức có lẽ nên nhẩm lại câu này trước khi bảo ai đó là kẻ…mất dạy.
Theo Xzone