Bảo kiếm huyền thoại "độc nhất vô nhị" Trung Quốc

Tiểu Mã |

Trải qua khoảng 2.500 năm, thanh kiếm “độc nhất vô nhị” của vua Câu Tiễn vẫn còn nguyên vẹn, không chỉ rất sắc bén mà còn đẹp đến mức khiến những ai chiêm ngưỡng phải mê mẩn.

Các môn phái ngày nay vẫn có những bài kiếm tuy nhiên mẫu binh khí đã được thay đổi rất nhiều.

Thông thường các môn võ hay sử dụng các loại đao hoặc kiếm có bản nhỏ hơn và không có lưỡi ở hai cạnh giống như kiếm Câu Tiễn.

Kiếm Câu Tiễn lại có hình dáng tương đối giống kiếm La Mã của phương Tây và loại hình đấu binh khí này như thời La Mã đã xuất hiện trên một số võ đài.

Với người phương Tây, loại hình đấu kiếm này được coi là môn thể thao đáng sợ, khi 2 võ sĩ mặc áo giáp kín mít, tay cầm khiên, kiếm chiến đấu sống động như thời trung cổ trên sàn võ thuật.

Tham gia đấu trường này, võ sĩ phải thuần thục những kỹ năng cơ bản, trước khi vận dụng cách dùng khiên để có thể tự vệ trước các cú chém hay cú đâm chính diện từ thanh kiếm sắc lẹm.

Bảo kiếm “tuyệt đỉnh” nhất thế giới?

Thanh kiếm này vốn thuộc sở hữu của Việt Vương Câu Tiễn (496 TCN - 465 TCN), là vua một nước chư hầu cuối thời kỳ Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc (nay chính là vùng Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô).

Đúng 50 năm trước (1965), trong một cuộc khai quật khảo cổ tiến hành ở tỉnh Hồ Bắc, người ta đã phát hiện ra ở Giang Lăng trên năm mươi ngôi mộ có niên đại thời nước Sở.

Cuộc khảo cổ đã thu được trên 2000 đồ tạo tác trong đó đáng chú ý nhất là một thanh kiếm tuyệt đẹp bằng đồng. Thanh kiếm này được tìm thấy tại ngôi mộ gần Dĩnh Nam, được đặt trong bao kiếm bằng gỗ sơn mài cạnh một bộ xương người.

Thanh bảo kiếm tuyệt đẹp bất chấp bị chôn vùi 2500 năm.
Thanh bảo kiếm tuyệt đẹp bất chấp bị chôn vùi 2500 năm.

Sau khi rút kiếm ra khỏi bao, người ta thấy rằng thanh kiếm này gần như vẫn còn sắc bén và sáng bóng bất chấp việc nó nằm trong ngôi mộ ngập bởi nước ngầm đã trên hai thiên niên kỷ.

Khi thử nghiệm độ sắc bén của thanh kiếm, các nhà khảo cổ thấy rằng nó vẫn dễ dàng cắt đứt một chồng chừng hai chục tờ giấy dày.

Trên một mặt của lưỡi kiếm, người ta tìm thấy có 8 chữ được viết theo lối cổ. Sau đó, danh tính của vị vua sở hữu thanh kiếm làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các nhà khảo cổ và ngôn ngữ học Trung Quốc.

Sau hơn hai tháng, các chuyên gia đã giải mã được 8 chữ cổ khắc trên kiếm có nghĩa là “Việt vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm”.

Từ đó, các nhà khảo cổ khẳng định chủ nhân của thanh kiếm là Câu Tiễn (496-465 TCN), và thanh kiếm có niên đại khoảng 2.500 năm tuổi.

Thanh kiếm Câu Tiễn là một trong các loại kiếm xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc và được gắn liền với các thần thoại Trung Hoa.

Trong dân gian, nó được gọi là "Giới thượng lưu của các loại vũ khí", một trong bốn loại vũ khí lớn, cùng với quyền trượng, giáo, và đao.

Thanh gươm Câu Tiễn từng được cho Bảo tàng Quốc Lập Cố Cung ở Đài Bắc mượn và trưng bày tới năm 2011. Hiện nó nằm ở Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc.

Ngày nay thanh kiếm được coi là một bảo vật quốc gia của Trung Quốc.

Các nhà khoa học đã phân tích được chất liệu để rèn nên cây bảo kiếm này gồm đồng, sắt, chì, thiếc, lưu huỳnh trong đó đồng chiếm tỷ lệ cao nhất.

Thậm chí, cây kiếm này được rèn công phu tới mức, mỗi phần của kiếm lại có thành phần chất liệu khác nhau.

Lưỡi kiếm có thành phần chủ yếu là đồng để kiếm có độ mềm dẻo và không bị phá hủy, phần cạnh kiếm có tỉ lệ thiếc cao hơn để đảm bảo độ sắc và cứng, thành phần lưu huỳnh giúp kiếm giữ được độ sáng bóng.

Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc thanh kiếm có một bao kiếm hoàn hảo, gần như kín khí đã giúp nó giữ được trạng thái bảo quản tốt dù bị chôn vùi hơn 2 ngàn năm.

Việc bề mặt thanh kiếm là đồng sunfat, cũng như các hầm mộ vốn yếm khí cũng giúp ích để bảo quản nó.

Tuy nhiên đến nay, người ta vẫn chưa thể hiểu nổi cách đây mấy thiên niên kỷ, người ta đã rèn nên cây kiếm này bằng công thức nào.

Trót thử kiếm, lập tức đứt ngón tay

Có câu chuyện kể rắng, một nhà khảo cổ khi chiêm ngưỡng thanh kiếm này đã vô cùng kinh ngạc.

Ông nảy ra ý định lạ lẫm đó là dùng chính ngón tay của mình để thử độ sắc bén của thanh bảo kiếm. Hệ quả là một ngón tay của ông đã suýt bị đứt lìa sau một nhát cứa.

Ngoài chất lượng có một không hai, sự tinh xảo của thanh kiếm là điều rất đáng kinh ngạc với trình độ làm kiếm thời bấy giờ. Kiếm Câu Tiễn được chế tác theo kiểu gươm đầu tiên được biết đến, với hai lưỡi đều sắc bén như nhau.

Lưỡi gươm sử dụng kỹ thuật khắc axit, chuôi gươm lắp một viên lam ngọc. Phần chuôi cũng được quấn lụa, trong khi quả táo đuôi kiếm là 11 hình tròn đồng tâm chồng lên nhau.

Thanh bảo kiếm vẫn gần như nguyên vẹn.
Thanh bảo kiếm vẫn gần như nguyên vẹn.

Thanh kiếm dài 55,7 cm, bao gồm phần chuôi 8,4 cm và lưỡi kiếm rộng 4,6 cm, nặng 875 gam. Lưỡi kiếm có họa tiết là các hình thoi lặp lại trên cả hai mặt, ở một mặt kiếm khắc hai hàng chữ với 8 chữ nằm gần chuôi kiếm.

Làm bản nhái cũng cần nghiên cứu tới…14 năm

Tới giữa tháng 3/2006, Viện bảo tàng quốc gia Trung Quốc tuyên bố cho sản xuất 1.000 thanh kiếm mô phỏng bảo kiếm của Câu Tiễn, giá mỗi thanh là 19.800 NDT (tương đương hơn 2.500 đôla).

Nhưng để tìm ra công thức “làm nhái” thanh bảo kiếm này, các nhà nghiên cứu đã trải qua muôn vàn khó khăn trong việc chế tạo ra những “bản sao” có chất lượng khá, đủ một số tiêu chuẩn có thể so sánh với phiên bản gốc.

Theo ông Hứa Quang Quốc, Trưởng sở nghiên cứu nghệ thuật đồ đồng Dĩnh Đô (Hồ Bắc) thì ông đã phải mất tới 14 năm nghiên cứu và thu thập rất nhiều những mảnh vụn đồ đồng cổ đại, các tư liệu liên quan để tạo nên một sản phẩm “bản sao” tương đối giống.

Nhà nghiên cứu Hứa Quang Quốc bên cạnh sản phẩm nhái của mình.
Nhà nghiên cứu Hứa Quang Quốc bên cạnh sản phẩm "nhái" của mình.

Đầu tiên, theo nhà nghiên cứu này, việc chế tạo các bản sao có thành phần hợp chất tương đối giống bản gốc đã khó, việc khắc hoa văn tinh xảo tưởng chừng dễ nhưng cũng lại khó khăn không kém.

Theo ông, kỹ thuật máy tiện hiện đại ngày nay cũng không cách nào tạo ra được những đường nét tinh xảo đến như vậy.

Do khoảng cách nhỏ nhất giữa các đường tròn chỉ có 0,1mm, vì thế chỉ duy nhất bàn tay của con người mới có thể khắc ra được.

Không chỉ vậy, ông Hứa Quang Quốc cũng thừa nhận việc “nhái” những hình thoi chìm giống như vảy da rắn trên thân kiếm cũng là vô cùng khó khăn.

Ông khẳng định mình đã thuộc lòng hình dạng, màu sắc và hoa văn trên kiếm. Suốt 14 năm, ông đã trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại, nhưng cuối cùng, ông đã chế tác thành công thanh kiếm Việt Vương thứ hai.

Mặc dù Hứa Quang Quốc đã nắm được bí quyết chế tạo thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn, thanh kiếm mà ông làm ra vẫn có nét khác biệt với thanh kiếm gốc.

Ông cũng không muốn tiết lộ cụ thể về kỹ thuật tái chế tác thanh kiếm, bởi vì đây là tâm huyết cả đời mình.

Chỉ có điều mà ông khẳng định một cách chắc chắn đó là những sản phẩm “bắt chước” của mình sẽ không bao giờ có thể đạt tới tầm “kiệt tác” giống như những gì người xưa đã làm được cách đây 2.500 năm.

Giới thiệu về thanh bảo kiếm Câu Tiễn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại