Với 323 bàn, Raul Gonzalez đã trở thành cầu thủ lập công nhiều nhất trong lịch sử Real Madrid. Khả năng ghi bàn như máy của tiền đạo người Tây Ban Nha giúp Real đoạt 6 chức vô địch La Liga và 3 Champions League, nhưng danh hiệu lớn như Quả bóng vàng châu Âu và Cầu thủ hay nhất FIFA chưa bao giờ mỉm cười với anh. Vị trí cao nhất của Raul là thứ hai trong cuộc đua Quả bóng vàng 2001 và thứ ba trong cuộc đua Cầu thủ hay nhất FIFA 2001.
Xavi có khả năng chuyền bóng chính xác như đặt và hiệu quả không thua Zidane thủa trước. Vấn đề lớn nhất đối với "số 6" trong các cuộc đua cá nhân là những màn trình diễn bắt mắt của đồng đội Lionel Messi. Messi đều đoạt Quả bóng vàng trong ba năm qua còn Xavi liên tục xếp ở vị trí thứ ba. Trong 14 năm sự nghiệp, Xavi đã đoạt 6 chức vô địch Liga, 3 Champions League, 1 Euro và 1 World Cup.
Paolo Maldini là hậu vệ thành công nhất trong lịch sử Cup C1/Champions League với 5 chức vô địch vào các năm 1989, 1990, 1994, 2003, 2007. Lối chơi của Maldini hay đến mức trở thành hình mẫu cho nhiều cầu thủ thế hệ sau học tập và rút kinh nghiệm. Đáng tiếc, giống Raul Gonzalez, vị trí cao nhất của hậu vệ người Italy là thứ hai trong cuộc đua Cầu thủ hay nhất FIFA 1995 và thứ ba trong cuộc đua Quả bóng vàng châu Âu 1994, 2003.
Samuel Eto'o là một trong những cầu thủ hiếm hoi ghi bàn trong hai trận chung kết Champions League (hai cầu thủ còn lại là Raul và Messi). Trong 6 năm qua, "báo đen" góp công lớn giúp Barca đoạt 3 chức vô địch Liga, 2 Champions League và giúp Inter đoạt cú ăn ba. Nhiều chuyên gia cho rằng Eto'o xứng đáng nhận được ít nhất một Quả bóng vàng sau những cống hiến liên tục và hiệu quả.
Thierry Henry không chỉ là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử Arsenal. Những pha ghi bàn ấn tượng của anh đã đưa Arsenal lên tầm đẳng cấp của MU, Barca và Real Madrid trong một thời gian dài. Đỉnh cao của Henry là mùa bóng 2003-2004, với thành tích bất bại tại Premier League. Cuối năm 2004, tiền đạo người Pháp chỉ thua sát nút Ronaldinho trong cuộc đua Cầu thủ hay nhất FIFA.
Ferenc Puskas đã ghi được gần 600 bàn thắng cho các CLB Kispest, Budapest Honved, Real Madrid và đội tuyển Hungary. Ông cũng giành được rất nhiều thành công tập thể, trong đó có 5 chức vô địch, 3 Cup C1, á quân World Cup 1954 và huy chương vàng Olympic 1952. Đáng tiếc, giống Raul, Puskas không gặp may trong hàng loạt cuộc đua cá nhân. Vị trí cao nhất của ông là thứ hai trong cuộc đua Quả bóng vàng năm 1960.
Michael Laudrup là một trong những cầu thủ dẫn dắt lối chơi hay nhất trong lịch sử Barca. Dưới thời HLV Johan Cruyff, tiền vệ người Đan Mạch góp công lớn vào thành tích vô địch Liga bốn lần liên tiếp (1991-1994) và đoạt Cup C1 năm 1992. Không phải ngẫu nhiên Laudrup đoạt được danh hiệu Cầu thủ nước ngoài hay nhất Tây Ban Nha trong giai đoạn 1975-2000.
Franco Baresi được coi là hậu vệ hay nhất thế giới trong giai đoạn 1988-1994. Ông chỉ cao 1,79 m, nhưng luôn giành chiến thắng trước các tiền đạo hàng đầu thế giới. Nhờ tài năng của Baresi, AC Milan có giai đoạn hoàng kim, đoạt 4 chức vô địch Serie A và 3 Cup C1/Champions League chỉ trong 6 năm. Năm 1989, Baresi xếp thứ hai trong cuộc đua Quả bóng vàng châu Âu.
David Beckham và Paul Scholes là hai danh thủ khởi đầu giai đoạn hoàng kim của MU trong thập niên 1990. Beckham có tài tạt bóng, sút phạt như đặt còn sở trường của Scholes là tấn công trung lộ. Năm 1999, Beckham chói sáng giúp MU đoạt cú ăn ba, nhưng thua Rivaldo trong cả hai cuộc đua Quả bóng vàng châu Âu và Cầu thủ hay nhất FIFA. Scholes thi đấu suốt đời cho MU, đoạt 10 chức vô địch Premier League, 2 Champions League, 3 FA Cup, 2 League Cup, nhưng chưa bao giờ có tên trong danh sách rút gọn 3 ứng cử viên tranh hai danh hiệu cá nhân lớn nhất.