Thể thao Việt Nam ‘sốc’ vì có vận động viên dương tính với doping tại SEA Games 31

KHƯƠNG XUÂN |

Thể thao Việt Nam đã bị “sốc” khi tiếp nhận thông tin có 5 VĐV điền kinh tham dự SEA Games 31 dương tính với doping. Đây chính là “nốt lặng” của thể thao trong năm 2022 bên cạnh những thành tích đáng khích lệ.

Thể thao Việt Nam ‘sốc’ vì có vận động viên dương tính với doping tại SEA Games 31 - Ảnh 1.

Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 đã sốc khi có 5 VĐV điền kinh dương tính với doping - Ảnh: TẤN PHÚC

Ngày 29-12, Tổng cục Thể dục Thể thao đã có cuộc gặp mặt báo chí nhân dịp diễn ra cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu của thể thao Việt Nam 2022.

Ông Đặng Hà Việt - tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, cho biết năm 2022 thể thao Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn hoành hành, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31 trên sân nhà, tạo hình ảnh rất đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu thành công tại ASEAN Para Games tại Indonesia. Tháng 12 này, thể thao Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022.

Năm 2023, thể thao Việt Nam sẽ tham dự hai đấu trường quan trọng là SEA Games 32 tại Campuchia và Asiad 19 tại Trung Quốc. Ông Đặng Hà Việt cho biết mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành từ 3 - 5 huy chương vàng Asiad. Ngoài ra, đoàn cũng đặt mục tiêu đứng tốp 3 SEA Games 32 tại Campuchia.

Thể thao Việt Nam ‘sốc’ vì có vận động viên dương tính với doping tại SEA Games 31 - Ảnh 2.

Kình ngư Huy Hoàng là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Ông Đặng Hà Việt cho biết thể thao Việt Nam đã "sốc" khi có VĐV nghi dương tính với doping tại SEA Games 31. Lý do bởi thể thao nói không với doping, không có chủ trương dùng doping và luôn cố gắng kiểm soát tốt.

Thời gian qua ngành thể thao đã nhờ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kiểm tra thì thấy có dấu vết của doping trong một loại thực phẩm bổ sung VĐV điền kinh dùng. Dù vậy, để khẳng định và chứng minh việc này theo ông Việt rất phức tạp.

Ông Đặng Hà Việt nói: "Liên đoàn và bộ môn điền kinh đã có giải trình trong phiên điều trần, đây là cảnh báo cho chúng ta trong việc sử dụng thực phẩm bổ sung cho VĐV thể thao. Thời gian tới, thực phẩm bổ sung nào FDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) công nhận mới mua cho VĐV dùng. Thế nhưng những thực phẩm FDA công nhận giá rất cao, đó lại là vấn đề.

Các em VĐV điền kinh nghi ngờ dương tính với doping có dùng thực phẩm bổ sung bằng chính tiền của mình bỏ ra. Bác sĩ có kiểm tra nhưng cũng chỉ có thể đọc thành phần ghi trên nhãn mác và thấy nó không vấn đề gì".

Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, cho biết doping (chất cấm) là thứ không bao giờ được phép dùng trong thể thao nhưng thực tế nó vẫn xảy ra.

Ông Phấn chia sẻ: "Tôi dẫn đoàn thể thao Việt Nam đi thi đấu quốc tế 9 lần, không lần nào có VĐV dương tính với doping, lần này SEA Games trên sân nhà lại có VĐV dương tính là điều đáng tiếc. Trong số những VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31 có những VĐV hàng đầu, trọng điểm đầu tư cho Asiad.

Thế nhưng đại hội thể thao quốc tế nào cũng có doping cả, từ Olympic, Asiad, SEA Games. Trong những năm gần đây thể thao Việt Nam đã tìm nhiều giải pháp phòng, chống doping, dù vậy nguồn lực tài chính không cho phép chúng ta xử lý việc này nhiều".

Khó khăn lớn nhất của thể thao Việt Nam năm 2023 theo ông Phấn chính là Asiad 19. VĐV có cơ hội giành huy chương vàng Asiad là rất hiếm, vì vậy phải tìm ra và dành nguồn lực để đầu tư. Mỗi kỳ Asiad có trên 30 VĐV Việt Nam giành huy chương đồng, hơn 20 huy chương bạc nhưng để chuyển nó thành huy chương vàng là cả vấn đề.

Ngành thể thao mỗi năm được Nhà nước cấp hơn 800 tỉ đồng kinh phí nhưng phần lớn số tiền này được dành nuôi VĐV, HLV. Tiền đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao rất hạn chế, không có nhà tập nào của VĐV có điều hòa nên mùa hè VĐV tập luyện rất vất vả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại