Trung Quốc thích chơi kiểu "2 mặt" trên Biển Đông

hoanghuyen |

Bắc Kinh liên tiếp tạo ra những phát ngôn và hành động trái ngược trong việc ứng xử trên biển Đông.

Trong khi nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông nhấn mạnh tới việc giải quyết những tranh chấp giữa ASEAN với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế thì Bắc Kinh lại không có cùng quan điểm như vậy.

Bắc Kinh cho rằng Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) không phải là một hiệp ước quốc tế được dùng để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các nước và không thể được sử dụng để phán xét về tranh chấp.

Chưa hết, tuy nói sẵn sàng cùng với ASEAN “gìn giữ hòa bình và ổn định” ở Biển Đông, nhưng thực tế Trung Quốc chỉ thảo luận trên cơ sở các nước Đông Nam Á công nhận chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Một sự ngang ngược ngày càng quá đáng!

Tàu đánh cá Trung Quốc tiến vào vùng biển quanh đảo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiều 20/7.

Ngày 20/7, theo Tân Hoa xã, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố “ghi nhận” thỏa thuận của ASEAN về 6 nguyên tắc liên quan Biển Đông và rằng Bắc Kinh sẵn sàng cùng các nước ASEAN, thực hiện “toàn diện và hiệu quả” bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, cùng nhau “giữ gìn hòa bình và ổn định” ở vùng này.

Phát ngôn và hành động của Trung Quốc về Biển Đông hoàn toàn mâu thuẫn.

Ông Hồng Lỗi nói thêm Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với ASEAN để đạt được một Bộ quy tắc ứng xứ trên Biển Đông. Có được lời này của Hồng tiên sinh thì thật là mừng? Nhưng không, ông Hồng Lỗi nói ngay, Trung Quốc “có cơ sở lịch sử và pháp lý đầy đủ” về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận xét: “Đây không thể coi là một hành động đơn lẻ. Đây là sự tính toán từ trước của Trung Quốc. Họ muốn sử dụng các lực lượng dân sự và bán quân sự để áp đảo Philippines và Việt Nam”.

Giáo sư Carl Thayer nói: “Họ (Trung Quốc) đã tính toán kỹ lưỡng. Philippines có nguồn lực hạn chế và Việt Nam cũng vậy. Nếu Trung Quốc đưa hết các tàu bán quân sự ra đó để bảo vệ tàu cá của mình, không ai có khả năng ngăn chặn các tàu cá này và họ có thể đi từ nơi này sang nơi khác.

Trung Quốc có chăng cũng chỉ bị phản đối về mặt chính trị. Đây là cách Trung Quốc đang làm để khiến cho các nước có tranh chấp mệt mỏi, sau đó Bắc Kinh sẽ gây sức ép về chủ quyền”.

Theo Tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, kịch bản tồi tệ nhất với tất cả các bên liên quan ở Biển Đông là một cuộc đối đầu nghiêm trọng, trong đó lực lượng quân sự được sử dụng. Nhưng ông Storey nghĩ rằng cơ hội xảy ra kịch bản này không cao.

Theo Petrotimes

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại