Biển Đông là nơi án ngữ tuyến đường vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất thế giới và được cho là có nguồn tài nguyên khoáng sản và hải sản dồi dào liên quan đến sự sống còn của Trung Quốc.
Để đạt được mục đích, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động quá khích tại khu vực này và chà đạp lên Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, đi ngược nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước trong khu vực, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Hành động hung hăng, hiếu
chiến của phía Trung Quốc trong những năm gần đây được khơi mào từ vụ cắt cáp quang
ngày 9/6/2011 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã cho cả thế giới thấy rõ bản
chất của nước này.
Không chỉ gây áp lực cho Việt Nam, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Song có lẽ chưa khi nào Trung Quốc lại có những biểu hiện manh động như hiện tại:
Tàu cá Trung Quốc ồ ạt đổ ra biển Đông
Lúc 10g ngày 12-7 (giờ Việt Nam), Trung Quốc xua 30 tàu cá đồng loạt đổ đến khu vực gần đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
30 tàu cá Trung Quốc trên đường tiến ra Trường Sa -Ảnh: Chinanews.com
Cùng thời điểm, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimaru cho biết Nhật Bản đã gửi thư phản đối thứ 2 đến chính quyền Bắc Kinh sau khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) lại phát hiện một tàu tuần tra Trung Quốc ở gần quần đảo Senkaku hôm 12-7.
Trong khi trước đó một ngày, Nhật Bản đã triệu hồi đại sứ Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh điều ba tàu tuần tra gồm các tàu Ngư chính 35001, 204 và 202 đến gần quần đảo Senkaku ngày 11-7.
Tại Philippines, lực lượng hải quân cũng đã bắt giữ 6 ngư dân Trung Quốc bị cho là có hành động đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á sau khi tạm giữ 25 tàu cá của Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Palawan, phía tây Philippines.
Một tàu tuần tra của Philippines. Ảnh minh họa:Alf.
Chấm dứt các hoạt động đơn lẻ, ngày 2/8, tại thành phố cảng Dương Giang ở phía tây Quảng Đông, hơn 1.000 chiếc tàu cá đã hướng về biển Đông sau khi Phó chủ tịch tỉnh Lưu Côn thông báo khai mạc lễ hội nghề cá của tỉnh này.
Gần 9.000 tàu cá Trung Quốc đồng loạt đổ ra ngư trường Biển Đông sau 12h trưa ngày 1/8 sau khi lệnh cấm đánh bắt đơn phương của nước này hết hiệu lực.
Theo ông Lưu, hơn 14.000 chiếc tàu cá đăng ký tại Quảng Đông sẽ khởi hành hướng xuống biển Đông để đánh bắt.
Tại tỉnh Hải Nam, khoảng 9.000 chiếc tàu cá chở theo 35.611 ngư dân cũng chuẩn bị đổ xuống biển Đông, theo các quan chức ngư nghiệp tỉnh này.
Như vậy, có ít nhất 23.000 chiếc tàu cá Trung Quốc sẽ hoạt động tại biển Đông trong những ngày tới.
Ngang nhiên thành lập thành phố phi pháp với cái tên "Tam sa"
Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên và cố tình thực hiện những bước đi trong âm mưu hợp lý hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Ngoài các động thái quân sự ngông cuồng này, sáng 23.7 Trung Quốc tiếp tục gây ra một làn sóng phẫn nộ mới khi công khai họp “hội đồng nhân dân khóa I” và thành lập Bộ chỉ huy của cái gọi là “thành phố Tam Sa” (Trung Quốc) tại đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các bên liên quan và cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án Trung Quốc
Phản ứng trước những hành động này, Tổng thống Benigno Aquino đã kêu gọi toàn dân Philippines đoàn kết trong việc gửi tới Trung Quốc một thông điệp rằng Manila sẽ không nhượng bộ trước Bắc Kinh và sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền.
"Nếu ai đó nhảy vào đất đai của chúng ta và nói đó là đất của họ, chúng ta có thể đồng ý không? Chúng ta cho đi những gì thuộc về mình thì có đúng hay không?", ông nói.
Tàu chiến mới mà Philippines sắm của Mỹ từ khi tranh chấp chủ quyền nóng lên hồi năm ngoái. Ảnh:Thechive
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc với thông điệp:Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái.
Phát biểu hôm thứ ba 24/7, Thượng nghị sỹ John McCain của Đảng Cộng hòa Mỹ đã phê phán hành động cho quần đồn trú ở “Tam Sa” của Trung Quốc là “khiêu khích một cách không cần thiết”.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 3/8, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói việc Trung Quốc nâng cấp bộ máy quản lý và lập đơn vị quân đội đồn trú tại "Tam Sa" là những hành động đối nghịch với những nỗ lực ngoại giao chung của các nước nhằm giải quyết những bất đồng và càng làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực. Washington "lo ngại sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và đang theo dõi sát sao mọi diễn biến ở đây".
Trung Quốc quay lại "la làng" nói các nước "không có đạo đức"
Ngay sau khi những tuyên bố của Mỹ được nêu ra, truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt nói Washington 'gây rối' và yêu cầu 'ngậm miệng', sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Bản tuyên bố của Mỹ đã không phân biệt được đúng sai, định hướng sai cho dư luận, gửi đi thông điệp sai lầm và cần được nghiêm khắc bác bỏ. Chúng tôi hoàn toàn có thể yêu cầu Mỹ rằng: Hãy ngậm miệng lại", xã luận có đoạn.
Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Xinhua.
Trước đó, Xinhua có bài chỉ trích Nhật khiêu khích ở đảo Điếu Ngư là "không có đạo đức, không pháp luật và không sáng suốt". Bài báo viết nếu Nhật Bản cho rằng Nhật sử dụng vũ lực thì Trung Quốc sẽ lui, điều này là không tưởng, kể cả Nhật Bản là đồng minh với Mỹ.
Vì vậy, việc khiêu khích trong thời điểm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là "không đạo đức, khẳng định chủ quyền với Điếu Ngư là không có pháp luật và muốn chống lại Trung Quốc là không sáng suốt".
Tờ Thời báo Hoàn Cầu lên tiếng đòi chính phủ Trung Quốc dùng áp lực chính trị mạnh mẽ đối với Ấn Độ vì tiếp tục ký hợp đồng hợp tác dầu khí với Việt Nam, thậm chí đe dọa sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu hai nước tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Sau nhiều bài chỉ trích Philippines kích động tại bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham, trang Sina tự tuyên bố Trung Quốc đã nắm quyền khống chế, tình thế đã được định hình tại bãi cạn và rêu rao "hết hạn cấm đánh cá, tàu Trung Quốc đến Hoàng Nham trong sự bất lực của Philippines".
Hôm qua, các báo và hãng thông tấn của Trung Quốc nhắm đến Việt Nam. Bài xã luận trên nhất bản điện tử Nhân Dân nhật báo cho rằng, các hoạt động hợp tác ngoại giao thông thường của Việt Nam là "liên kết với các nước lớn", "lôi kéo các nước láng giềng".
Nhiều chuyên gia về lịch sử đảo và biển đảo, giới chính trị quốc tế cho rằng những hành động của Trung Quốc ngày càng "nực cười".