Hang kỳ lân được cho là được phát hiện ở bên ngoài đền Yongmyong nằm trên đồi Moran tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Theo bản báo cáo của Viện Lịch sử thuộc Học viện Khoa học Xã hội CHDCND Triều Tiên, các nhà khảo cổ học nước này đã phát hiện ra hang ổ của sinh vật huyền thoại bên ngoài một ngôi đền ở thủ đô Bình Nhưỡng. Họ cho rằng phát hiện này có nghĩa là Bình Nhưỡng vốn là trung tâm của Liên Triều cổ.
"Việc phát hiện ra hang ổ của kỳ lân, gắn liền với truyền thuyết về Vua Tongmyong, đã chứng minh rằng Bình Nhưỡng là thành phố thủ phủ của Triều Tiên cổ đại cũng như Vương quốc Koguryo" - Hãng thông tấn KCNA trích dẫn bản thông báo cho biết.
Các nhà sử học Triều Tiên tin rằng hang kỳ lân thuộc về Vua Tongmyong, người sáng lập Vương quốc Koguryo cổ đại của người Triều Tiên và Hàn Quốc.
Kỳ lân trong truyền thuyết Bắc Triều Tiên.
Theo bản tin trên, một tảng đá hình chữ nhật khắc dòng chữ "hang ổ kỳ lân" đã được tìm thấy ở cửa hang. Dòng chữ khắc này được xác định có niên đại từ thời Vương quốc Koguryo (918-1392). Còn ngôi chùa nằm trong cung điện của Vua.
Jo Hui Sung, giám đốc của Học viện, nói với KCNA, rằng những phát hiện này là phù hợp với lịch sử của đất nước. "Sử sách kể rằng Vua Tongmyong đã cưỡi kỳ lân" - ông Jo nói.
Truyền thuyết về kỳ lân vốn có nguồn gốc từ văn hóa dân gian châu Âu, trong đó nó được mô tả là con ngựa trắng có một sừng. Cho đến thế kỷ 19, kỳ lân vẫn được coi là biểu tượng của sự tinh khiết và ân sủng. Các học giả và nhà thần học tin rằng kỳ lân có tồn tại mặc dù chưa từng ai nhìn thấy chúng trong thực tế.