Với những bậc phụ huynh đầy tham vọng của Trung Quốc, khóa học trên là cơ hội quá tốt không thể bỏ lỡ, thậm chí cả khi họ phải bỏ ra 100.000 nhân dận tệ (15.000 USD) học phí. Theo lời quảng cáo, con cái của họ sẽ được luyện khả năng đọc sách chỉ trong 20 giây và nhận dạng các lá bài bằng cảm giác. Những em tài năng nhất còn có thể biết ngay câu trả lời trong đầu khi đọc đề kiểm tra.
Khoảng 30 học sinh tuổi từ 7 đến 17 đã nộp đơn đăng ký vào khóa học mùa hè Thượng Hải này. Tuy nhiên, 10 ngày sau đó, những "khả năng siêu phàm" của các em vẫn chẳng thấy đâu.
"Tôi thấy con tôi không học được điều gì cả, trừ sự lừa đảo", một phụ huynh bức xúc.
Các bậc phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng chi tiền để con em được bổ sung cấp tốc những kỹ năng "siêu phàm". Ảnh minh họa:wordpress
Các chuyên gia nhận định rằng chương trình kỳ lạ này là ví dụ điển hình cho thấy các gia đình cùng con em của họ đang bị cuốn vào một cuộc chạy đua trong môi trường giáo dục cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc. Các ông bố bà mẹ ở nước này từ lâu đã dồn hết tâm lực cho kỳ thi đại học của con em mình. Và bây giờ, họ bị cuốn vào một chuỗi rất khó rút ra: muốn có kết quả đại học tốt thì phải học ở trung học phải tốt, muốn trung học tốt thì phải giỏi từ tiểu học. Đến cả các trường mẫu giáo ở những thành phố lớn cũng đang có hàng danh sách chờ xin học và phỏng vấn.
Sau thời gian dùi mài trên lớp, các học sinh Trung Quốc tiếp tục dành trọn cuối tuần cho học thêm, học kèm gia sư và các khóa học mùa hè. Rất ít khi có chương trình học đặc biệt như chương trình mùa hè Thượng Hải trên với tuyên bố về những thành quả đáng kể trong việc huấn luyện trẻ em sử dụng não phải.
Một giảng viên còn tiết lộ rằng các học sinh "đã học được cách phát hiện những làn sóng nhất định phát ra từ mọi thứ, trong đó có cả từ ngữ". Những làn sóng này "được ghi lại trong não dưới dạng hình ảnh" để trẻ em có thể đọc mà thậm chí chẳng cần nhìn sách.
Một bậc phụ huynh giận dữ cho biết các giáo viên đã thuyết phục con gái của ông rằng cô bé có thể đọc được những lá bài chỉ bằng cách chạm vào chúng. Dù ông đã kiểm chứng và cho thấy con gái không hề có khả năng đó, những bậc phụ huynh khác vẫn miễn cưỡng chấp nhận sự thật này. Phía cảnh sát đang điều tra công ty đứng đằng sau khóa học trên.
Một bà mẹ ở Bắc Kinh đã chi tiền cho con gái học thêm tiếng Anh và toán từ khi lên 6 tuổi, một năm trước khi cô bé bước vào tiểu học, cho biết: "Bây giờ đứa trẻ nào cũng đều học thêm các lớp ngoài giờ cả. Không chỉ có các em học yếu mà cả những em học giỏi nhất nhì lớp".
Bà Wei kể rằng cô con gái hồn nhiên trước đây của bà đang có dấu hiệu mệt mỏi. "Nhưng chúng tôi có thể làm gì đây? Nếu con bé không vào được cấp ba, tương lai nó sẽ rất u tối", bà nói. "Bọn trẻ phải chiến đấu quyết liệt mới vào được những trường hàng đầu. Đó là một cuộc chiến thực sự bằng máu và những vết bầm tím".
Nỗi lo lắng như ở bà Wei rất phổ biến. Năm ngoái, nghiên cứu của Dự án Thái độ Toàn cầu Pew nhận thấy rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà hầu hết người dân (68%) cho rằng cha mẹ đang đặt quá nhiều áp lực lên con cái. Ngược lại, có 64% người Mỹ lại nghĩ rằng những ông bố bà mẹ ở đây tạo cho con cái quá ít áp lực.
Trẻ em Trung Quốc dường như cũng đồng tình với kết quả điều tra trên. Một nghiên cứu năm 2010 do các nhà nghiên cứu Anh và Trung Quốc thực hiện cho thấy hơn một phần ba số học sinh tiểu học ở tỉnh Chiết Giang bị đau đầu và dạ dày ít nhất một tuần một lần.
"Môi trường học tập cạnh tranh và khốc liệt đã dẫn đến tình trạng căng thẳng cao và những triệu chứng tâm thần", các nhà nghiên cứu nói.
Giới chức Trung Quốc cũng đã cố gắng giảm tải gánh nặng học hành cho thế hệ trẻ. Đầu năm nay, truyền thông Trung Quốc đưa tin Bộ Giáo dục nước này đã cấm các trường mẫu giáo ra bài tập về nhà cho học sinh.
Tuy nhiên, chuyên gia về gia đình Yin Jianli, người khuyến khích sự sáng tạo và độc lập trong gia đình, cho biết các bậc cha mẹ cũng cần thời gian để thay đổi. Bà biết rằng mọi người đều lo lắng cho tương lai của con em họ.
"Họ không để cho con cái được ăn một bữa sáng thoải mái trong kỳ nghỉ. Họ biết rất ít về giáo dục và nuôi dạy con nhưng lại rất hiếu chiến. Vì thế, họ đuổi theo các ông bố bà mẹ khác một cách mù quáng", bà nói.
Điều này không chỉ gây khó cho con trẻ mà còn phản tác dụng. "Trước mắt, bọn trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi. Về lâu dài, chúng sẽ đánh mất cả sở thích học tập", bà cảnh báo.