Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak ngày hôm nay đã có chuyến thăm bất ngờ tới hòn đảo gần biên giới căng thẳng với Triều Tiên từng bị nước này pháo kích 2 năm trước đây.
“Chúng ta phải bảo vệ biên giới trên biển tới người lính cuối cùng. Nếu Triều Tiên khiêu khích, chúng ta sẽ đáp trả mạnh mẽ”, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời phát biểu của Tổng thống Lee với các binh lính.
Ông Lee đưa ra tuyên bố trên trong khi đi thị sát một đơn vị radar chống pháo binh và một đại đội pháo binh trên đảo Yeonpyeong. Đây là chuyến thăm đảo đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức tổng thống năm 2008.
Lee Mi-Yon, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Lee cho biết, chuyến thăm này nhằm mục đích “kiểm tra tình hình an ninh trước thời điểm kỷ niệm 2 năm ngày hòn đảo này bị pháo kích”.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak nói chuyện với binh lính thuộc Đại đội pháo tự hành K-9 155 mm trên đảo Yeonpyeong ngày 18/10/2012
Ngày 23/11/2010, đáp trả cuộc tập trận bắn đạn thật của các binh lính Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắn pháo lên đảo Yeonpyeong, nằm ở vị trí gần đường biên giới tranh chấp trên biển Hoàng Hải khiến 2 quân nhân và 2 dân thường Hàn Quốc thiệt mạng.
Giới tuyến phía Bắc (NLL) – đường biên giới mặc định giữa hai miền Triều Tiên không được Bình Nhưỡng công nhận vì cho rằng nó được các lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ đứng đầu đơn phương lập ra sau cuộc chiến 1950-1953.
Chuyến thăm của ông Lee tới đảo diễn ra cùng ngày Hàn Quốc thông báo sẽ tiến hành một cuộc tập thường niên quy mô lớn vào tuần tới nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Theo người người phát ngôn của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, cuộc tập trận kéo dài 1 tuần mang tên Hoguk sẽ bắt đầu từ ngày 25/10 với sự tham gia của 240.000 lính hải - lục - không quân, thủy quân lục chiến và cảnh sát. Khoảng 500 binh sỹ Mỹ cũng sẽ tham gia cuộc tập trận này.
“Cuộc tập trận sẽ gồm các hạng mục diễn tập chống xâm nhập, khiêu kích hay phát động chiến tranh toàn diện từ phía Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với các phóng viên.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang gia tăng do gần đây diễn ra một loạt các vụ đối đầu ở biên giới trên biển, đào tẩu và một thỏa thuận mới giữa Mỹ và Hàn Quốc nâng cấp tầm bắn của các hệ thống tên lửa lên gấp 3 lần.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh do cuộc chiến 1950 – 1953 mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ chưa có hiệp định hòa bình nào được ký kết.