Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cả
Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển
Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là
Senkaku. Cuộc tranh chấp này là nguyên nhân chính quan hệ Trung-Nhật
thường xuyên rơi vào căng thẳng.
Mới đây nhất, sóng gió ở biển Hoa Đông lại nổi lên sau sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.
Nhật Bản cũng đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Diễn biến này đã khiến Trung Quốc nổi giận đùng đùng, tuôn ra một loạt những cảnh báo, đe doạ về việc sẽ dùng vũ lực chiếm lại quần đảo tranh chấp.
Trong bối cảnh đó, ngày 14/9, ông Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc vừa kêu gọi quân đội không được lơ là và phải sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến nào có thể xảy ra.
Nhật Bản quyết định mua đảo tranh chấp
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Osamu Fujimura,
thông báo quyết định mua ba đảo không người ở trong nhóm đảo
Senkaku/Điếu Ngư được thông qua trong cuộc họp của những bộ trưởng liên
quan tới kế hoạch mua đảo hôm 10/9 với giá 26 tỷ USD.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cùng toàn thể nội các của ông sẽ chính thức phê chuẩn quyết định này.
Ông Fujimura khẳng định chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo để tạo ra môi trường ổn định và an toàn, chứ không muốn chọc giận Trung Quốc.
Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư là đối tượng tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh:AP.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng rất nhanh sau thông báo của chính phủ Nhật Bản. Họ khẳng định Bắc Kinh sẽ không ngồi nhìn lãnh thổ của họ bị xâm phạm.
"Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản dừng ngay lập tức hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và quay trở lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp. Nếu Nhật Bản vẫn tiếp tục hành động, họ sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Tàu Trung Quốc 'lũ lượt' tới Senkaku/Điếu Ngư
Hai tàu hải giám Trung Quốc tới vùng nước gần các đảo tranh chấp lúc 6h18 sáng 14/9 theo giờ địa phương. Khoảng 7h00, thêm một nhóm 4 tàu khác xuất hiện trong vùng nước mà Nhật tuyên bố chủ quyền. Hai tàu hải giám đầu tiên sau đó rời khỏi khu vực này vào khoảng 7h48.
Tàu hải giám Trung Quốc Haijian 46 trong vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông.
Trong một tin từ Bắc Kinh, Tân Hoa Xã viết: "Hai hạm đội tàu hải giám Trung Quốc đã tới vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận ngày 14/9 và bắt đầu tuần tra và thực thi luật pháp tại đây."
Hôm 11/9, Tân Hoa xã loan tin Trung Quốc đã cử hai tàu hải giám tới nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản, sau khi phía Nhật tuyên bố sẽ tiến hành quốc hữu hóa nhóm đảo này.
Bản tin của Tân Hoa xã cho biết hai tàu Hải giám đã khởi hành tới khu vực quanh đảo Điếu Ngư - phía Nhật gọi là Senkaku - với mục đích "khẳng định chủ quyền tổ quốc."
Trước đó một ngày, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố Bắc Kinh sẽ "không lùi một tấc nào" trong tranh cãi chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản.
Đáp lại hành động của Trung Quốc, hãng thông tấn Kyodo cho biết Chính phủ Nhật Bản cũng đã thành lập một văn phòng đặc biệt tại trung tâm giải quyết khủng hoảng thuộc văn phòng thủ tướng để giải quyết các vấn đề trên.
Thủ tướng Nhật Noda
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao nước này đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa để phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.