Theo thông tin truyền thông Nhật Bản, vụ sập đường hầm Sasago trên tuyến đường cao tốc Chuo sáng 2/12 đã làm ít nhất 9 người thiệt mạng và một số người vẫn còn bị mắc kẹt bên trong.
Là một trong những nạn nhân may mắn thoát khỏi đám đổ nát cùng vợ và 2 con, người đàn ông 39 tuổi tên Tomohiro Suzuki bàng hoàng kể lại sự việc và lí do anh không thể cứu những người khác ra khỏi những chiếc xe đang chuẩn bị bốc cháy.
Tomohiro Suzuki cho biết ngay sau khi đoạn đường hầm dài gần 5km băng qua quả đồi gần núi Phú Sỹ có dấu hiệu sụp đổ, bên trong khu vực đó là một khung cảnh vô cùng hỗn loạn, các tài xế cố gắng tìm đủ mọi cách, kể cả lao vào đường ngược chiều với hi vọng có thể đưa chiếc xe thoát khỏi những ngóc ngách do những mảng vữa rơi xuống và những đám lửa đang bùng cháy.
"Một phần trần, rộng bằng cả con đường, đã rơi trúng chiếc xe đang chạy phía trước và gãy ở giữa theo hình chữ V" - anh kể với hãng tin Jiji.
Cận cảnh bên trong đường hầm bị sập qua ống kính camera
Suzuki nhanh chóng nhảy ra khỏi xe và lao về phía một chiếc xe đã bị nghiền nát bởi bê tông, nỗ lực giải cứu những hành khách bên trong. Lửa đã bùng cháy phía dưới nắp ca-pô xe. Anh biết tất cả mọi người đang ở thế "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng lửa cháy quá mạnh và anh không thể làm gì hơn.
"Tôi đã bấm số gọi cảnh sát, bởi tôi nghĩ rằng chỉ một mình tôi sẽ không thể cứu sống bất kỳ ai ở đây cả."
"Sau đó, tôi nghe thấy một lời cảnh bảo từ một hệ thống truyền thanh rằng, có một vụ hỏa hoạn xảy ra bên trong đường hầm, và toàn bộ vòi phun nước cứu hộ đang được chuẩn bị."- anh nói.
Giữa lúc nguy cấp nhất, anh nhanh chóng kéo vợ cùng hai đứa con nhỏ, 6 và 9 tuổi, chạy ra ngoài tới nơi an toàn.
"Tôi vô cùng lo sợ bởi vì lúc đó tôi không tìm được lối ra, tôi đã nghĩ đến một tình huống là lửa sẻ lan ra và bắt kịp chúng tôi. Vì thế tôi cố gắng đưa con ra ngoài trước tiên". - anh kể lại trong nỗi ám ảnh.
Phải hơn một giờ đi bộ, Suzuki cùng gia đình mới thoát ra được khỏi đường hầm. Vào thời điểm đó, lửa đã bùng cháy trong hầm và người ta có thể thấy khói tỏa ra mù mịt khỏi miệng hầm.
Không lâu sau đó, một chiến dịch tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt đã diễn ra, sau đó phải tạm ngừng vì người ta lo ngại nguy cơ xảy ra sập trần hầm lần thứ hai. Cho tới chiều muộn, hoạt động cứu hộ mới có thể khôi phục trở lại với rất nhiều thiết bị hiện đại được đưa vào trong hầm.
Một số lều bạt để điều phối hoạt động cứu hộ đã được dựng bên ngoài cửa hầm
Các đoạn video an ninh quay trong khoảng 10 tiếng sau thảm họa này cho thấy rõ các mảng bê tông nặng tới 1,5 tấn, trong đó có nhiều tấm bị gẫy thành hình chữ V đúng như Suzuki miêu tả.
Tại khu vực cửa hầm, hàng chục nhân viên cứu hộ đang tất bật với công việc, một số căn lều bạt để điều phối hoạt động cứu hộ đã được dựng lên.