Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm qua đã tới Bắc Kinh trong khuôn khổ công du Đông Nam Á, mục đích một phần để hối thúc Trung Quốc và các nước láng giềng thỏa thuận về một cơ chế có thể giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 4/9.
Sau khi tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Clinton đã gặp người tương nhiệm Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì.
Bà Clinton khẳng định quan hệ Mỹ-Trung là một phần quan trọng trong chính sách của chính phủ Tổng Thống Obama nhằm đẩy mạnh chính sách của Washington góp mặt tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Bà Clinton bày tỏ mong muốn Bắc Kinh hợp tác với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đi đến một bộ qui tắc ứng xử chung trên biển, nhằm có thể ngăn chặn, không cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ leo thang trong Biển Đông, một khu vực giàu tài nguyên.
Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Bắc Kinh chống đối các cuộc thương thuyết đa phương sẽ cho phép các nước nhỏ trong khối ASEAN tạo uy thế lớn hơn.
Bắc Kinh ủng hộ các cuộc thương thuyết song phương, vì như thế vị thế Trung Quốc sẽ mạnh hơn so với các nước có chủ quyền trong vùng biển này, như Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam.
Trong chuyến công du thứ ba tới khu vực Đông Nam Á kể từ tháng 5, bà Clinton đã khuyến khích một mặt trận thống nhất giữa 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi mạnh mẽ kêu gọi tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược này.
Theo dự đoán của các cơ quan truyền thông quốc tế, trong chuyến công du hai ngày tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ rất có thể hội kiến với chủ tịch Hồ Cẩm Đào và tại thủ đô Bắc Kinh, hồ sơ xung khắc tại biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ được thảo luận.
Vài giờ trước khi bà Hillary Clinton rời Jakarta, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc phát pháo lệnh đe dọa : “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ tôn trọng cam kết không can thiệp vào tranh chấp địa phương về chủ quyền biển đảo”.
Thái độ lấn át của Trung Quốc tại Hoa Đông, với Nhật bản, và tại Biển Đông với Việt Nam và Philippines càng ngày càng lộ liễu. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn lên tiếng chỉ trích Washington bênh vực Tokyo trong vụ Điếu Ngư/ Senkaku và can thiệp ủng hộ Manila khi Trung Quốc xâm phạm vùng đảo đá ngầm Scarborough.
Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm qua cũng dành cho bà Hillary Clinton những lời công kích gay gắt phản ảnh thái độ hoài nghi.