Dư luận bắt đầu dự đoán về khả năng cải cách lớn ở Triều Tiên trong tháng 7 sau khi ban lãnh đạo nước này tước mọi chức vụ của tướng Ri Yong-ho, Tổng tham mưu trưởng quân đội, và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un được phong hàm Nguyên soái quân đội.
Tuần trước Bình Nhưỡng thông báo Kim Jong-un đã kết hôn. Đây là một động thái khiến giới quan sát ngạc nhiên, bởi trong quá khứ đời tư của hai nhà lãnh đạo trước của Triều Tiên luôn được giữ kín.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm khu giải trí Rungna ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh:AP.
Giới phân tích Hàn Quốc khẳng định những thay đổi vừa qua là bước khởi động để tạo đà cho nỗ lực cải cách về kinh tế và chính trị của Kim Jong-un, người từng tiếp thu nền giáo dục của phương Tây.
Nhưng trong một buổi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua, người phát ngôn của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên, cơ quan phụ trách các vấn đề giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, bình luận rằng những hy vọng của giới phân tích là “ngu ngốc và nực cười”.
“Những kẻ bù nhìn ở Hàn Quốc cố gắng tạo ra cảm giác rằng giới lãnh đạo đương nhiệm ở Triều Tiên đang rũ bỏ quá khứ. Đây là đỉnh cao của sự ngu dốt. Kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách và mở cửa ở Triều Tiên là một giấc mơ ngu ngốc và ngây thơ, giống như muốn mặt trời mọc ở phía tây”, người phát ngôn này nói.
Người phát ngôn cũng cáo buộc Hàn Quốc muốn áp đặt hệ thống tư bản chủ nghĩa đối với Triều Tiên bằng cách “ca ngợi cải cách và mở cửa”.
“Một thay đổi, dù nhỏ nhất, trong mọi chính sách của Triều Tiên, sẽ không thể xảy ra”, ông nhấn mạnh.
Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul xuống mức thấp sau khi Tổng thống Lee Myung-bak, một người có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên, nắm quyền tại Hàn Quốc vào năm 2008. Ông Lee liên tục kêu gọi Triều Tiên cải cách bất chấp phản ứng phản ứng giận dữ của Bình Nhưỡng.
Theo VnExpress