Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ chống tên lửa trong châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường chạy đua vũ trang vì lo sợ bị bao vây, đồng thời, có thể đặt nhiều nước châu Á trong tình thế khó xử.
Kế hoạch mở rộng tấm lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương có hể khiến Trung Quốc tăng cường chạy đua vũ trang.
Kế hoạch mới, trong đó bao gồm cả triển khai một hệ thống radar cảnh báo sớm, được biết đến là X-band, ở miền nam Nhật và có thể là một hệ thống mới ở Đông Nam Á (được cho là ở Philippines), phản ánh sự can dự về quân sự và an ninh ngày càng sâu của Mỹ vào khu vực, sau một thập niên tập trung nguồn lực vào Trung Đông và Afghanistan.
Cùng với trạm radar X-band tại Aomori, phía bắc Nhật Bản đã được lắp đặt từ năm 2006, dự kiến 3 trạm radar X-band Mỹ mở rộng sẽ tạo thành một vòng cung, hướng về phía đông bắc châu Á, cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, phát hiện sớm, chính xác, các tên lửa đạn đạo phóng đi từ Triều Tiên, cũng như từ một phần lãnh thổ Trung Quốc, qua đó, có thể bắn chặn được.
Một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận Lầu Năm Góc khó có thể thuyết phục quân đội Trung Quốc tin kế hoạch lá chắn tên lửa của họ không nhằm bao vây Trung Quốc. “Chắc chắn kế hoạch giống như là bao vây”, quan chức này nhận định.
Tại cuộc họp báo hôm thứ sáu vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto xác nhận Tokyo và Washington “đã có nhiều cuộc thảo luận về lá chắn tên lửa, trong đó có cả triển khai hệ thống radar X-band như thế nào”. Song ông cho biết thêm chính phủ Nhật cần “thêm thời gian” trước khi tiết lộ thông tin chi tiết.
Tin tức về kế hoạch rộng lá chắn tên lửa của Mỹ được tờ The Wall Street Journal đăng tải đầu tuần này đã làm rúng động khu vực, làm nóng bầu không khí hiện đang quan ngại trước thái độ quyết đoán và hành động hung hăng của Trung Quốc trong các hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Nhiều người ở Nhật cảm thấy họ cần phải củng cố khả năng phòng thủ của riêng Nhật đồng thời tăng cường hợp tác với Mỹ để đối phó với sự mở rộng không ngừng của quân đội Trung Quốc cũng như tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Ấn Độ cũng bị báo động về sự hiện diện ngày càng mở rộng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Việt Nam đang xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn nữa với hải quân Mỹ, còn phía Philippines đang phục hồi mối quan hệ an ninh với Washington giữa hàng loạt tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, giới phân tích an ninh cho rằng chiến lược mới của Mỹ có nguy cơ đẩy Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự hơn nữa, dưới áp lực của xu hướng dân tộc chủ nghĩa đòi bảo vệ quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc. Hiện nay, quân đội Trung Quốc đang phát triển các loại tên lửa đạn đạo mới, kể cả khả năng tấn công các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đang hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương. Kế hoạch này của Trung Quốc có thể được thúc đẩy nhanh hơn nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ. Hậu quả là Washington dễ bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang rất tốn kém mà không bên nào chắc chắn nắm phần thắng.
Mặt khác, kế hoạch lá chắn chống tên lửa của Mỹ sẽ ở châu Á buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn. Ủng hộ dự án của Mỹ tức là chống Trung Quốc, vào lúc ảnh hưởng của Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, ngày càng lớn.
Nhật có tâm trạng vui buồn lẫn lộn với liên minh an ninh và quốc phòng với Mỹ. Tìm được nơi đặt hệ thống radar X-band mới không phải là điều dễ dàng bởi tâm lý chống sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này đã ăn sâu. Nhật đã có hệ thống radar X-band ở tỉnh miền bắc Aomori. Vào thời điểm radar được lắp đặt năm 2006, người dân địa phương đã lên tiếng lo ngại vì sự hiện diện của radar có thể biến họ thành mục tiêu tấn công của kẻ thù. Ngoài ra một số người khác phản đối Mỹ điều thêm quân nhân tới cơ sở đặt radar.
Ngay cả Hàn Quốc, nước phải hứng chịu trực tiếp và thường xuyên mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cũng tránh không lên tiếng về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ, mặc dù tấm lá chắn đó được tuyên bố là nhằm trực tiếp vào Triều Tiên.
Một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hệ thống X-band thứ ba có thể được đặt ở Philippines. Tuy nhiên Raul Hernandez, thứ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết không có các cuộc thảo luận nào với Mỹ về kế hoạch đặt trạm radar X-Band. Còn bà Sumathy Permal, chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh hàng hải và Ngoại giao, tại Học viện Hàng hải Malaysia nhận định rằng Kuala Lumpur coi trọng quan hệ chặt chẽ với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.