Nhưng những nỗ lực đặc biệt về kinh tế này chính là một thông điệp có chủ ý, dường như là Washington thấy rằng việc đề cao sự thay đổi chiến lược về quân sự, với sự tập trung vào châu Á, đã tạo ra một cảm giác đối đầu nhiều hơn mức cần thiết với Trung Quốc.
Phần lớn chuyến công du hiện nay của bà Clinton nhằm tập trung xây dựng các mối liên kết kinh tế tại Đông Nam Á, nơi có tốc độ phát triển nhanh chóng và đang ngày càng buôn bán nhiều hơn với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton phát biểu tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập chương trình học giả Fulbright.
Tại Việt Nam, bà Clinton tham dự một sự kiện do Phòng thương mại Mỹ tổ chức; tại Campuchia bà dự hội nghị với các quan chức cấp cao của khu vực; và đến thăm Lào - nước chưa từng đón chuyến thăm nào của các ngoại trưởng Mỹ kể từ 1955.
Đã 57 năm trôi qua. Chuyến công du của bà Clinton mang mục đích dù không được nói thẳng ra, là thuyết phục Lào, nước đang nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của Bắc Kinh, coi Mỹ là một người bạn, như Trung Quốc.
Bà Clinton thực sự nổi tiếng và được ưa chuộng ở châu Á, có lẽ bởi một phần do bà hiện diện nhiều. Tại Trung Quốc và Singapore, bà được coi như một ứng viên tiềm năng cho ghế tổng thống Mỹ 2016.
Một vấn đề nữa mà bà Clinton cần giải quyết là trấn an các nước trong khu vực, rằng cho dù bị cắt giảm ngân sách, chính quyền Mỹ sẽ vẫn thực thi các cam kết của họ.
Lo ngại trước viễn cảnh mất thị trường, năm ngoái Mỹ công bố sáng kiến hiệp định Xuyên Thái bình dương (TPP) nhằm tạo ra một khối thương mại bao gồm một số nước châu Á, một số nước Mỹ Latin và Mỹ. Nhưng với việc không mời Trung Quốc tham gia, Washington cũng làm dấy lên những mối nghi ngờ trong các nhà phân tích chính trị và kinh tế Trung Quốc về ý định của Mỹ.
Theo Vnexpress.net