10 năm trở về trước, khi căn bệnh thế kỉ HIV đạt đỉnh nghiêm trọng ở Malaysia, mỗi ngày có đến 18 người dân xét nghiệm dương tính với HIV. Đại bộ phận người mắc bệnh là đàn ông sử dụng heroin hoặc bị lây nhiễm do sử dụng chung bơm kim tiêm. 10 năm sau, số người nhiễm bệnh mới đã giảm đi một nửa, phần lớn nhờ vào sự giúp đỡ từ cộng đồng và người thân.
Tại tỉnh Pahang, một mảnh đất ven biển phía Đông nam Malaysia, chính những người nghiện ma túy trước đây lại cung cấp những chiếc bơm tiêm sạch, bao cao su, thậm chí là khuyên nhủ và tư vấn cho những người có nguy cơ mắc bệnh.
Bơm kim tiêm sạch dành cho những người nghiện ma túy ở làng chài Pachang.
Ở Pahang, những người đàn ông làm nghề cá là đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất vì họ thường phải lênh đênh trên sông nước liền 6 ngày/ tuần. Để chống chọi lại sự cô đơn và buồn chán, nhiều người trong số họ đã tìm đến heroin. Nhờ tổ chức quốc tế về HIV/AIDS và Hội đồng AIDS Malaysia, trung tâm y tế địa phương đã tổ chức đổi bơm kim tiêm 2 lần/ tuần ở các vùng cảng và làng cá của huyện Kuantan.
Mamat, 36 tuổi, đã tiêm chích trong vòng 7 năm và hiện được nhận bơm kim tiêm sạch hàng tuần. Ông chia sẻ: “Điều đó mang đến sự thoải mái trong tâm hồn tôi”.
Trong buổi phát bơm tiêm sạch, các nhân viên y tế cũng tranh thủ ngồi xuống và nói chuyện với những người đàn ông chài cá, hiểu sâu hơn về cuộc sống cũng như những những mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt, đồng thời dạy họ cách tiêm chích sao cho an toàn hơn. Suharizal, một người đàn ông từng tiêm chích ma túy, nay cũng trở thành một thành viên trong nhóm chỉ dẫn cho những người khác về rủi ro khi sử dụng chất gây nghiện này.
Yuseuf, 42 tuổi, 12 năm sống với căn bệnh HIV. Ông bắt đầu hành nghề chài cá từ năm 14 tuổi và đó cũng là thời điểm ông bắt đầu sử dụng heroin.
Theo nhân viên điều phối dự án, ông Zulkefli, người dân Pahang trước đây rất sợ những người sử dụng ma túy. “Nếu họ trông thấy bất kì ai có vẻ là người sử dụng ma túy, họ sẽ ngay lập tức đóng cửa nhà lại. Nhưng chương trình này đã đem đến cho họ một cái nhìn hoàn toàn khác”.
Bà Ani làm việc cho một quán cà phê trong huyện chia sẻ: “Chú tôi cũng từng sử dụng ma túy nhưng giờ ông không còn nữa. Giá mà ông cũng nhận được một dịch vụ tốt như thế này thì có lẽ ông vẫn còn sống”.