Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6/11 với chiến thắng dành cho đương kim Tổng thống đã chứng tỏ rằng ông và những chính sách của mình vẫn được lòng đa số người dân.
Người dân Mỹ đang hết lòng chờ đợi sự thay đổi tích cực của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama.
Quyền lợi cho tầng lớp trung lưu
Trong thông điệp liên bang 2012 – được xem là cương lĩnh tranh cử nhiệm kỳ hai, ông Obama đã nói rằng mình chính là người tiên phong trong việc bảo vệ quyền lợi của tầng lớp trung lưu, lực lượng nòng cốt của xã hội và kinh tế Mỹ.
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh, nước Mỹ hiện nay không thể đi theo hướng “ai được lợi cứ hưởng mãi và người thua thiệt vẫn tiếp tục thua thiệt”.
Biện pháp mà ông Obama đưa ra là tiếp tục hối thúc Quốc hội sớm thay đổi bộ luật thuế. Theo đó các tập đoàn và thiểu số những người giàu có phải đóng thuế cao hơn để chính phủ có tiền tăng đầu tư và bảo đảm sự công bằng xã hội.
Ông Obama cũng khẳng định sẽ tiếp tục đứng về tầng lớp lao động. Quan tâm đến các chính sách y tế, các vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, tầng lớp trung lưu sẽ được hưởng những chính sách ưu đại trong các vấn đề y tế, giáo dục…
Người dân có thêm việc làm
Thực tế, 4 năm qua, dù chưa thực sự làm hài lòng người dân Mỹ, nhưng với tình hình được cho là tồi tệ mà người tiền nhiệm để lại, những biện pháp của Obama được xem là cú huých chậm chạp đối với nền kinh tế ì ạch của Mỹ trên bước đường hồi phục.
Việc trước mắt của ông Obama sắp tới, theo kế hoạch đã được đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình, là hối thúc Quốc hội thông qua kế hoạch 447 tỷ USD nhằm thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm. Đây từng là bản kế hoạch đã bị Đảng Cộng hòa ngăn cản trong năm 2011 vì nó bao gồm cả việc tăng thuế đối với người giàu.
Thêm vào đó, ông Obama được kì vọng là sẽ kêu gọi tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kêu gọi gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường cao tốc liên bang và hệ thống cầu cống, nhằm tạo đà phát triển bền vững và lâu dài cho nền kinh tế Mỹ.
Đồng thời, ông cũng đề xuất tiếp tục tìm giải pháp để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nhà đất, căn nguyên gây ra cuộc suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu hết năm nay, Quốc hội và Nhà Trắng không đạt được một thỏa thuận về các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm 1.200 tỷ USD trong 10 năm tới, thì kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách và tăng thuế sẽ tự động được tiến hành, kèm theo đó là nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại giai đoạn suy thoái.
Tiếp tục chính sách ngoại giao cứng rắn nhưng ôn hòa
Trong cương lĩnh đưa ra vào tháng 1/2012, ông Obama đã thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, tiếp tục đòi Bắc Kinh thay đổi chính sách tiền tệ để tạo sân chơi bình đẳng hơn cho hàng hóa của Mỹ.
Theo nhận định của nhà báo Bill Nichols, Tổng thư ký tòa soạn báo Politico, tờ báo chính trị hàng đầu nước Mỹ, “chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục theo đường hướng hiện nay”. Còn nhà báo Ron Elving, biên tập viên cao cấp Đài truyền thanh NPR, tại Washington DC cho biết “chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ không thay đổi lớn”.
Thực tế, chính sách đối ngoại trong 4 năm qua của Tổng thống Obama khá thành công. Ông ngăn chặn được gia tăng quân sự ở một số mặt trận không cần thiết. Ông cũng đã đưa ra quyết định rút quân ra khỏi chiến trường Afghanistan và Iraq, chấm dứt sự mệt mỏi của quân lính trên các chiến trường này.
Ông Obama có một thái độ khá ôn hòa với các nước đối trọng như Nga, Trung Quốc. Tuy thể hiện sự cứng rắn trên chính trường thế giới nhằm khẳng định vị thế đứng đầu của Mỹ, Obama vẫn đưa ra những quan điểm hợp tác có lợi với các bên để phát triển các chính sách đối nội cũng như đối ngoại.
Điểm thay đổi lớn duy nhất là chuyển hướng tập trung của mình từ Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ, thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Nhật và Hàn Quốc, liên tục thực hiện các cuộc diễn tập quân sự với các quốc gia Đông Á.
Tạo điều kiện cho sinh viên vay tiền đi học
Tổng thống Obama khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư và cải thiện hệ thống giáo dục - đào tạo để tạo ra thế hệ người Mỹ có năng lực, trình độ cạnh tranh trên toàn cầu.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Obama đề xuất tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sinh viên vay tiền đi học, tiếp tục đề nghị trợ cấp cho các bang đang gặp khó khăn để duy trì đội ngũ giáo viên và cải thiện môi trường giáo dục, đào tạo nghề.