Vụ việc liên quan đến ủy viên bộ chính trị Bạc Hy Lai
bắt đầu cách đây 4 tháng. Đây được coi là vụ bê bối chính trị lớn nhất
Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, thậm chí còn được cho là có ảnh
hưởng nhất định đến quá trình chuyển giao quyền lực trong kỳ đại hội
đảng vào cuối năm nay và sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chính sách của thế hệ
lãnh đạo kế tiếp.
Tờ Asahi Shimbun của Nhật đã đi tìm lại nhiều chi tiết trong quá khứ để dựng lại con đường đi đến quyền lực cấp cao của người này.
Bạc Hy Lai từng được dự kiến sẽ nắm giữ chức vụ cao trong kỳ đại hội đảng Trung Quốc vào cuối năm, bất ngờ bị cách chức và điều tra.
Biểu tượng đế vương
Ngày 20/8/1999, ông Giang Trạch Dân, chủ tịch Trung Quốc khi đó, phải nhăn mặt trong giây lát, trong ngày cuối cùng của chuyến công tác đến thành phố Đại Liên, trung tâm công nghiệp bên bờ biển Hoàng Hải, thuộc tỉnh Liêu Ninh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc được đón tiếp rất trịnh trọng trong suốt chuyến thăm tuy nhiên ông không mấy hài lòng khi đến trước một cột đá màu trắng sừng sững cao gần 20 m. Những con rồng uốn lượn xung quanh những đám mây được chạm khắc trên chiếc cột trang trí, gọi là cột Hoa Biểu. Đây là biểu tượng đế vương của Trung Hoa, biểu thị sức mạnh của các hoàng đế, được dựng lên ở lâu đài hoặc các lăng mộ.
Chủ tịch Giang không mấy thích thú. "Tại sao lại phải dựng cột to lớn như thế này?", ông nói với giọng chê trách.
Cột Hoa Biểu do Bạc Hy Lai xây dựng ở Đại Liên cao gấp
đôi cột Hoa Biểu 500 năm tuổi ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.
Chuyến thăm Đại Liên của ông Giang Trạch Dân do thị trưởng Bạc Hy Lai, nhân vật số hai của thành phố, lo liệu. Ông Bạc đã vượt qua nhân vật số một là Yu Xueqiang, bí thư đảng ủy, để chuẩn bị cho chuyến đi này.
Đây là chuyến thăm dài ngày hiếm có của vị lãnh đạo cao nhất đất nước tới một thành phố cấp tỉnh. Lý do được cho là vì ông Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, cựu phó thủ tướng Trung Quốc, là người ủng hộ khá nhiều cho chủ tịch Giang trong quá trình thăng tiến.
Để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Giang tới Đại Liên, Bạc Hy Lai chỉ thị cho cánh tay phải của mình, một quan chức cấp cao của Sở Công an thành phố, nhập khẩu từ Đức một số thiết bị nghe lén. Những chiếc máy nghe lén hiện đại có thể ghi được giọng nói từ cách đó 100 m, kể cả đằng sau lớp cửa kính.
Bạc muốn sử dụng thiết bị này để nghe trộm những đoạn đối thoại của chủ tịch trong phòng khách sạn và trong ô tô, trong thời gian ông ở Đại Liên. Ngoài ra, Bạc còn tặng cho các thư ký và lái xe của chủ tịch Giang khoản tiền lên đến 80.000 Nhân dân tệ (12.000 USD) làm quà lưu niệm.
Bức chân dung ấn tượng
Khi đoàn xe của ông Giang đi qua tòa thị chính trong ngày cuối cùng của chuyến thăm, lái xe của ông đi chậm lại qua đoạn có bức chân dung lớn của chủ tịch được đặt ở vị trí nổi bật trong thành phố.
Ông Giang rất ngạc nhiên khi thấy bức chân dung của mình ở đó và ngoái đầu lại nhìn theo rất lâu. Một trợ lý thân cận với ông Giang sau đó đã kể lại với các quan chức cấp cao của thành phố về phản ứng của chủ tịch để Bạc vui lòng.
Ông Giang ngạc nhiên bởi từ những năm 1980, Trung Quốc đã cấm treo những bức chân dung lớn của các nhà quan chức cấp cao, như một bài học sau thời Cách mạng Văn hóa quá tôn sùng các cá nhân lãnh đạo.
Chiến lược nịnh nọt của Bạc tỏ ra có hiệu quả và xóa được ấn tượng xấu với cột Hoa Biểu bằng đá. Một cựu quan chức chính quyền thành phố nói ông được cho biết rằng chủ tịch đã rất vui và nở nụ cười rạng rỡ.
Những tháng sau đó, Bắc Kinh tuyên bố Bạc sẽ thế chỗ cho Yu, Yu chỉ còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đại Liên, chức mà ông vẫn kiêm nhiệm từ trước. Rõ ràng là Yu đã bị hạ cấp để thăng chức cho Bạc.
Một quan chức khác của chính quyền thành phố, người có liên quan trong việc thiết kế cột Hoa Biểu, cho biết rằng Bạc muốn dựng chiếc cột đó với chiều cao cao nhất ở Trung Quốc vì Bạc muốn một ngày nào đó mình sẽ trở thành thiên tử hay ông hoàng Trung Hoa.