600.000 lao động bị cưỡng bức ở Trung Đông

Hàng triệu công nhân di cư trên thế giới đang tìm đến Trung Đông với hy vọng sẽ nhận được mức lương cao, song không phải ai cũng kết thúc cuộc hành trình như hy vọng.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây đã công bố báo cáo cho biết khoảng 600.000 lao động bị lạm dụng tình dục và mắc kẹt tại Trung Đông.

Thay vì đến tìm kiếm một công việc làm ổn định, những lao động này đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục mà không tìm thấy lối thoát.

Beate Andrees, tác giả của báo cáo và người đứng đầu Chương trình hành động đặc biệt của ILO về chống lao động cưỡng bức cho biết, qua nhiều cuộc phỏng vấn hàng trăm công nhân, kinh nghiệm và khó khăn của họ hầu như giống nhau. Những lao động này ban đầu được thuê giúp việc trong nhà, nhưng sau đó bị chuyển đến làm việc tại các trại chăn nuôi cừu, lạc đà và gia súc ở sa mạc.

Phần lớn trong số họ đến từ các quốc gia châu Á, chủ yếu là từ Bangladesh, Nepal và Sri Lanka. Trong khi đó, một nửa lao động châu Á đang làm việc tại Qatar cho biết họ phải nộp một khoản chi phí (khoảng 550 USD hoặc cao hơn) cho các công ty môi giới và điều này thường khiến họ rơi vào cảnh nợ nần.

Biểu tình kêu gọi từ bỏ bóc lột lao động nhập cư.

ILO cũng cho biết, nhiều bằng chứng cho thấy rất nhiều phụ nữ châu Á và châu Phi bị cưỡng ép trở thành nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục.

Trong khi đó, trong các lĩnh vực kinh tế dành cho nam giới như xây dựng, sản xuất, hàng hải và nông nghiệp, chủ lao động thường đưa ra những điều kiện ưu đãi về chỗ ở và điều kiện làm việc, nhưng thực tế ngược lại, thậm chí họ không có được bất cứ công việc nào.

ILO ước tính có đến 600.000 người có thể là nạn nhân của lao động cưỡng bức ở Trung Đông. Báo cáo được dựa trên 650 cuộc phỏng vấn được thực hiện trong khoảng thời gian hai năm ở Jordan, Lebannon, Kuwait và Tiểu vương quốc Ả rập.

Tại Qatar, đáng kinh ngạc là 94% số lao động là người nhập cư, trong khi ở Saudi Arabia con số đó là trên 50%. Người di cư cũng chiếm một phần quan trọng của lực lượng lao động ở Jordan và Lebanon.

Nạn nhân của bọn buôn người thường có rất nhiều hạn chế như nghèo khổ, mắc nợ và ít học. Nhiều người trong số họ bị nhốt trong nhà và thường xuyên bị đánh đập mà không thể có một mối liên hệ nào ở bên ngoài.

Nhiều người còn bị bắt cóc và đưa đến nhà chứa dưới lòng đất, hoặc bị lừa vào làm những công việc như phục vụ bàn hoặc ca sĩ trong một hộp đêm nhưng thực tế là sau đó họ bị buộc phải bán dâm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại