Thế giới này sẽ ra sao nếu không có người lười?

Van Vu |

Dành cho những ai lười đọc, sự lười biếng chính là yếu tố quan trọng giúp cho con người, thế giới và công nghệ ngày một phát triển hơn, lười biếng là tương lai của loài người.

Lười biếng, trì hoãn... đã từ lâu được xem là những đức tính xấu, xã hội bơm vào đầu mỗi người rằng chúng ta phải chăm chỉ, chăm chỉ chính là chìa khoá hướng tới tương lai. Nếu Trái Đất vẫn quay hàng ngày, lý do gì để con người dừng lại và không làm việc?

Thế nhưng, một câu hỏi thú vị ở đây sẽ là một Trái Đất không có người lười sẽ ra sao? Khi mà tất cả mọi người đều chăm chỉ, làm việc không nghỉ ngơi, một thế giới hoàn hảo giống như xã hội hay cộng đồng mong muốn.

Thế giới này sẽ ra sao nếu không có người lười? - Ảnh 1.

Nếu không có người lười chắc sẽ không có sự tự động hoá và cũng chẳng có robot, người chăm chỉ có thể làm mọi thứ bằng tay hết mà, đúng không?

Con người và tính lười

Có nhiều người lười biếng, thậm chí cả trong những người chăm chỉ cũng có sự lười biếng. Là một giống loài, chúng ta biến lười biếng thành một thứ nghệ thuật hào nhoáng.

Từ khi còn là loại vượn (thuỷ tổ của loài người, nếu như những nghiên cứu khoa học chính xác), vượn đã biết sử dụng que để làm mọi thứ nhanh hơn, dễ dàng hơn làm bằng tay.

Thế giới này sẽ ra sao nếu không có người lười? - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Liệu có phải vượn đã đủ thông minh? Không, đơn giản là nó chỉ lười, một sự lười rất nghệ thuật. Ngày nay, những con vượn tiến hoá còn biết dùng điện thoại để gọi xe hay order bánh pizza mà không phải ra ngoài.

Thế giới này sẽ ra sao nếu không có người lười? - Ảnh 3.

Giờ thì chỉ cần nằm nhà bấm điện thoại là có người mang đồ ăn tới tận cửa. Tiện không? Quá tiện. Lười không?...

Bạn có nhận ra điều gì bên trong thông điệp trên không? Đó chính là sự sáng tạo, những rào cản công nghệ hay kĩ thuật được mở rộng đơn giản chỉ vì... lười. Nếu không lười, vượn có thể hoàn toàn trèo lên cây hái chuối thay vì cầm que khều nó xuống hay nhặt đá để ném cho chuối rụng.

Sự sáng tạo, phá vỡ rào cản - những đặc tính thiên bẩm của con người

Bạn có nhận thấy, người lười chính là thứ khiến cho công nghệ phát triển cao hơn và đưa con người tới kỉ nguyên, tương lai mới? Nếu không tin vào điều này, đơn giản là đừng dùng máy giặt nữa, hãy thử giặt tay đi hoặc không ghi chép bằng máy tính hay điện thoại nữa mà viết tay đi?

Thế giới này sẽ ra sao nếu không có người lười? - Ảnh 4.

Nếu muốn biết giá trị của người lười, hãy thử giặt tay một tuần đi, vì nếu cả thế giới này đều chăm chỉ, chắc chiếc máy giặt sẽ không ra đời.

Tiến đến tương lai, áp dụng công nghệ mới rất dễ, nhưng đi ngược lại thì không đơn giản chút nào.

Trong thế giới chúng ta đang sống, công nghệ, những phát kiến hay sáng tạo đã thay thế toàn bộ những công đoạn chăm chỉ, phức tạp chỉ bằng những cú click chuột, hay thậm chí đột phá hơn cả: CHỈ MỘT LẦN CLICK CHUỘT!.

Ngày xưa, mỗi khi muốn ăn, con người phải nghĩ xem nên làm món gì, chuẩn bị nguyên liệu rồi nấu nướng. Giờ đây, chỉ một cú click là xong, bạn thậm chí còn không phải nghĩ vì mọi thứ đã bày ra hết trên màn hình.

Các công ty công nghệ ngày một hiểu người dùng hơn, họ đưa ra những trang thông tin biết về nội dung người dùng muốn đọc, những website gợi ý sẵn những thứ bạn cần mua và thậm chí cả những đoạn video về chó mèo mà bạn chắc chắn sẽ thích.

Một thế giới nếu không có người lười, những thứ trên sẽ không xuất hiện. Dù tin hay không, cả thế giới này phát triển nên là nhờ vào sự lười biếng.

Nếu như thế giới toàn người chăm chỉ, sẽ chẳng ai sử dụng những công nghệ mới hay những phát kiến đột phá. Vì sao? Vì họ chăm chỉ quá rồi, chẳng có lý do gì phải tốn tiền cho những thứ vô bổ, không hợp lý.

Thế giới này là của người lười

Sự thật phũ phàng là xã hội vẫn cổ vũ những người chăm chỉ, vẫn coi đó là một đức tính hoàn hảo. Bạn có quen ai chăm chỉ không?

Khả năng cao là mọi thứ họ làm đều không hiệu quả. Hãy cứ nghe Bill Gates nói, người chăm chỉ giờ nên làm những công việc chân tay, giập khuôn còn để lại sự sáng tạo và những công việc phức tạp dành cho người lười.

Vì sao ư?

Vì họ biết con đường ngắn nhất và nhanh nhất để làm xong mọi thứ, họ sử dụng não bộ nhiều hơn chân tay và quan trọng hơn hết, họ hiểu giá trị của sự lười biếng.

Tất cả những ai sử dụng não để tìm cách giải quyết ngắn hơn, đơn giản hơn đều là người lười. Đúng không nào? Đáng ra tựa đề bài viết phải là "cả thế giới này toàn người lười" mới đúng.

Thế giới này sẽ ra sao nếu không có người lười? - Ảnh 5.

Thang máy được sinh ra cho người lười đấy, không tin cứ leo thang bộ thì biết.

Người chăm chỉ, đức tính chăm chỉ sẽ ở đâu?

Thôi, khen người lười quá nhiều rồi, thật ra sự chăm chỉ vẫn áp dụng được ở một số công việc nhất định, ví dụ tích luỹ kiến thức, nó rất cần sự chăm chỉ. Thay đổi bản thân hoặc cải thiện sức khoẻ, nó cũng rất cần sự chăm chỉ, đây là những thứ người lười biếng rất kém.

Thậm chí, có những người chăm chỉ nhưng lại suy nghĩ theo tư duy của một ông lười. Đây mới là thành phần độc đáo nhất, thành công nhất do họ biết cách làm mọi thứ theo cách của người lười nhưng lại có sự chăm chỉ để làm được nhiều thứ hơn.

Kết

Nếu bị chê là lười biếng, đừng buồn, hãy chứng tỏ cho người chê về những suy nghĩ siêu việt của bản thân, chỉ cho họ con đường ngắn nhất để hoàn thành công việc, thứ mà có chăm tới mấy họ cũng chẳng thay đổi nổi.

Thế giới đang thay đổi từng ngày, những thứ chúng ta sử dụng đa phần được sinh ra để dành cho người lười biếng, những người chăm chỉ đang làm việc để phục vụ sự lười biếng, thậm chí tương lai của loài người cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự lười biếng, vào những người lười.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại