Ảnh minh họa: Getty
Nguy cơ Thế chiến III gia tăng
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài khiến thế giới trở thành một nơi ngày càng nguy hiểm. Xét trên bề mặt, đây là cuộc xung đột quân sự giữa quân đội Nga và Ukraine ở chiến trường phía Tây và phía Nam.
Tuy nhiên, sâu xa hơn, đây là sự phản ứng trên toàn quy mô của Nga trước sự mở rộng chiến lược không ngừng của Mỹ và NATO trong những năm qua.
Mặc dù không trực tiếp đưa quân tới Ukraine nhưng Mỹ và NATO vẫn đang sử dụng hầu hết các phương tiện của chiến tranh kết hợp như các lệnh trừng phạt tài chính, phong tỏa thông tin, hỗ trợ tình báo, hoạt động vệ tinh cùng với các công nghệ trên không và trong không gian để gây sức ép toàn diện với Nga.
Trong gần 2 tháng qua kể từ khi xung đột bùng phát, phương Tây đã áp hơn 5.000 lệnh trừng phạt lên Nga, nhiều hơn 50% lệnh trừng phạt Mỹ áp lên Iran trong 40 năm qua.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi tháng 2 đã cảnh báo phương Tây về việc áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga, đồng thời nhận định, những biện pháp như vậy có thể gây ra chiến tranh thế giới lần thứ ba.
"Hiện nay, có nhiều cuộc trao đổi chống lại ngành ngân hàng, dầu mỏ, khí đốt và loại Nga khỏi SWIFT. Điều này còn tồi tệ hơn cả chiến tranh và đang đẩy Nga vào chiến tranh thế giới lần thứ ba", ông Lukashenko cho hay. Nhà lãnh đạo Belarus đánh giá, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể là kết cục cuối cùng.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng phức tạp, thậm chí có nguy cơ lan rộng thành cuộc chiến giữa Nga và NATO. Nga đã nhiều lần cảnh báo nước này sẽ coi các đoàn vận chuyển vũ khí sang Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp giữa bối cảnh Mỹ và nhiều nước châu Âu tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Ngày càng nhiều học giả dự báo nguy cơ bùng nổ Thế chiến III đang gia tăng và thậm chí kết luận rằng điều này có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Tình hình đang diễn biến theo hướng của một thảm họa toàn cầu.
Hồi tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với NBC News rằng Nga có lẽ sẽ bắt đầu Thế chiến III.
"Như chúng ta từng chứng kiến cách đây 80 năm, khi Thế chiến II bắt đầu... không ai có thể dự đoán khi nào một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ nổ ra", ông Zelensky bình luận.
Thế giới đối mặt cùng lúc 5 căn nguyên của thảm họa
Bên cạnh chiến tranh, ngày càng nhiều thảm họa xảy ra trên thế giới. Xung đột đã khiến hàng triệu nông dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa và bỏ qua vụ xuân, dẫn đến xuất khẩu nông nghiệp của Ukraine sụt giảm.
Trước đó, Ukraine từng là một trong những nhà xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp quan trọng của thế giới với lúa mì và ngô lần lượt chiếm khoảng 10 và 15% xuất khẩu toàn cầu. 14 quốc gia phụ thuộc vào hơn 25% vào lúa mì nhập khẩu từ Ukraine, trong đó Libya chiếm 43% và Bangladesh chiếm 28%.
Nếu không có những nguồn nhập khẩu thay thế phù hợp, các thành phố tại một vài nước đang phát triển có thể đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Sự thiếu hụt lương thực và sự gia tăng giá năng lượng do tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine đã hạn chế khả năng sản xuất của ngày càng nhiều quốc gia. Mỹ, EU, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua sự tăng giá nghiêm trọng trong khi tỷ lệ lạm phát ở châu Âu và Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 40 năm qua.
Trong 2 năm qua, hơn 6 triệu người đã tử vong vì Covid-19. Một chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, dịch Covid-19 vẫn chưa trôi qua và số ca tử vong vẫn tiếp diễn. Từ tháng trước, số ca mắc đã tăng vọt với khoảng 1.000 người chết vì Covid-19 mỗi ngày. Nhiều người tin rằng nhờ có vaccine, chúng ta có thể cùng tồn tại với virus.
Nhưng liệu điều đó có thể hạn chế thêm số ca tử vong? Liệu thuốc và vaccine có tiếp tục theo kịp tốc độ biến chủng của virus? Tất cả những điều này vẫn chưa rõ ràng.
Không ai dự đoán được rằng sự nhất trí toàn cầu được quan tâm nhất trong năm 2021 là "biến đổi khí hậu" lại gần như bị lãng quên vào năm 2022. Chiến tranh đã khiến sự hợp tác dừng lại và gây ra sự chia rẽ trên toàn thế giới, cũng như khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để đoàn kết với nhau nhằm giải quyết thảm họa khí hậu.
Băng tan, mực nước biển tăng, các hòn đảo nhỏ biến mất, các thảm họa tự nhiên xảy ra thường xuyên trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn trên thế giới.
Nhìn lại lịch sử, các thảm họa thường đến từ 5 nguyên nhân: chiến tranh, nạn đói, khủng hoảng kinh tế, đại dịch và thảm họa khí hậu. Mùa xuân năm 2022, nhân loại không dự đoán được rằng cả 5 nhân tố đó đều cộng hưởng với nhau theo cách chưa từng có. Thế giới có lẽ đang đứng trước thời khắc nguy hiểm nhất.
Vậy thế giới nên làm gì lúc này? Có lẽ giống như Tổng thống Franklin Roosevelt từng nói, "hơn cả việc kết thúc một cuộc chiến, chúng ta muốn sự kết thúc ngọn nguồn của mọi cuộc chiến tranh"./.