Theo tạp chí The Nation, khi nói về kết cục bi thảm của cuộc xung đột vũ trang liên quan đến Ukraine, cựu Chủ tịch "Hiệp hội Y sĩ quốc tế phòng ngừa chiến tranh hạt nhân" Ira Helfand – người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1985 cho biết: Theo kịch bản tồi tệ nhất do phương Tây dàn dựng, nếu Nga tấn công Ukraine, thì Moscow sẽ hứng chịu những lệnh trừng phạt, mà thế giới từ trước tới nay chưa từng biết đến.
Nhưng tất cả có thể không diễn ra theo chiều hướng như vậy. Những cuộc tấn công hủy diệt của các bên có thể đưa loài người trở về thời kỳ băng hà mới.
Chuyên gia Helfand chia sẻ: "Chính phủ Mỹ đã tính toán mức độ thiệt hại nếu xảy ra chiến sự, theo tính toán đó: khoảng 25.000 đến 50.000 thường dân vô tội sẽ bị thiệt mạng, sẽ có từ 5.000 đến 25.000 binh sĩ Ukraine tử nạn. Về phía Nga sẽ có từ 3.000 đến 10.000 quân nhân thương vong. Dòng người tị nạn có thể lên tới từ 1 triệu đến 5 triệu người" – đây là con số thương vong, nếu các bên giao tranh sử dụng vũ khí thông thường.
Nếu cuộc xung đột lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine, lôi kéo cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO thì cuộc xung đột này có thể biến thành chiến tranh quy mô lớn giữa những cường quốc hạt nhân, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân là hiện hữu.
Theo dự đoán của Helfand: khi xảy ra xung đột, các bên sẽ sử dụng vũ khí thông thường. Nhưng với thành tựu hiện nay về khoa học và công nghệ, sức công phá của vũ khí thông thường cũng lớn hơn ta tưởng rất nhiều.
Mức độ thiệt hại của các bên tham chiến sẽ tăng lên, hoặc là khi một bên tham chiến nhận ra điều đó, để không phải nhận kết cục của người chiến bại, bên chịu tổn thất nặng hơn sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Học thuyết quân Sự của Nga và Mỹ đều cho phép làm điều này.
Chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 1985 Ira Helfand đưa ra một số thống kê: Nga hiện đang sở hữu 1900 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, 1600 đầu đạn hạt nhân chiến lược – số đầu đạn này đã được đưa vào vị trí chiến đấu.
Về các nước thành viên NATO, Pháp có 280 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai, Anh có 120, Mỹ có 100 quả bom hạt nhân chiến thuật B-61 đã được triển khai tại các căn cứ quân sự ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài ra Mỹ có 1.650 đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai.
Chuyên gia Ira Helfand xót xa cảnh báo: Nếu xảy ra xung đột hạt nhân giữa Nga và Mỹ, thì những đòn tấn công hạt nhân sẽ không dừng lại ở thủ đô của hai quốc gia này. Sẽ có rất nhiều vũ khí khác hướng về nhiều thành phố khác. Sức công phá hạt nhân sẽ rơi vào khoảng từ 450 đến 800 kiloton. Thế giới khi đó sẽ ra sao?
Theo ông Helfand, có thể xảy một số viễn cảnh như sau: Nghiên cứu từ năm 2002 cho thấy, trong nửa tiếng đầu tiên, sau khi 300 trong số 1600 đầu đạn hạt nhân chiến lược, đã triển khai của Nga, phát nổ trên bầu trời nước Mỹ, số nạn nhân sẽ lên tới 78 triệu người.
Tất cả cơ sở hạ tầng về kinh tế, mạng lưới điện, mạng lưới internet, hệ thống phân phối thực phẩm, hệ thống giao thông, y tế sẽ bị phá hủy, tất cả điều kiện tối thiểu để duy trì cuộc sống sẽ tan thành mây khói. Sau cuộc tấn công vài tháng, đa số người dân Mỹ sẽ bị chết vì đói và dịch bệnh.
Cuộc tấn công của Mỹ đối với Nga cũng gây ra hậu quả tương tự. Nếu NATO cũng bị lôi vào cuộc chiến, thì phần lớn lãnh thổ Canada và châu Âu đều chịu chung số phận như vậy.
Cũng theo cảnh báo của chuyên gia Ira Helfand, hậu quả đối với khí hậu và môi trường do xung đột hạt nhân trên thế giới gây ra còn thảm khốc hơn nhiều. Ngay từ những năm 1980, giới chuyên gia đã nhận định: nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng ở quy mô lớn, thì khí hậu trên toàn thế giới sẽ trở nên rét buốt ngay lập tức – đó thực sự là "Mùa đông hạt nhân".
Xung đột hạt nhân sẽ tung vào khí quyển 150 triệu tấn tro bụi, nhiệt độ trên trái đất sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau kỷ nguyên băng hà. Hậu quả là: chấm dứt nền văn minh nhân loại, đại bộ phận loài người sẽ bị diệt vong.
Những nguy cơ khủng khiếp trên đòi hỏi quan hệ Mỹ-Nga-Trung quốc phải thay đổi từ gốc rễ.
Ngay từ giữa những năm 2000, nhà sử học kiêm chính trị gia người Mỹ, Stephen Cohen đã viết: "Mỹ đã phạm những sai lầm trong chính sách đối với Nga. Mỹ phải đặc biệt ưu tiên phát triển mối quan hệ này, không được ngạo mạn coi Nga như "đàn em", coi nhẹ lợi ích của Nga – tất cả điều này rất nguy hiểm cho chính nước Mỹ.
Nguyên nhân thật giản đơn: vì duy nhất trên thế giới chỉ có nước Nga (kể cả khi nền kinh tế của nước này rơi vào trạng thái kiệt quệ nhất) vẫn có khả năng tiêu diệt được Mỹ".
Ông Ira Helfand mỉa mai cảnh báo rằng: Các cường quốc nên chấm dứt cuộc chơi vươn tới thế thượng phong. Khi cuộc chơi chấm dứt, người thắng cuộc chỉ có thể ngồi trên đỉnh cao của đống tro tàn của nhân loại.
Ira Helfand một lần nữa khẳng định: "Tôi tin rằng, thiện chí giải trừ vũ khí hạt nhân của các nhà lãnh đạo các cường quốc trên thế giới vẫn chưa lụi tàn".
Cuối cùng, Ira Helfand đưa ra kết luận: "Nhờ có sự lãnh đạo thông minh, nhờ có những học thuyết quân sự thấu đáo và nhờ có công nghệ phát triển mà loài người đã có những bước phát triển trong thời đại hạt nhân.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara có nói: chúng ta đã may mắn tránh được một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hy vọng vào sự trùng lặp của khách quan chỉ là một chính sách điên rồ".