Thấy gì từ việc Mỹ di dời vũ khí hạt nhân sang Romania?

Tùng Dương |

Mỹ đã quyết định di dời vũ khí hạt nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ sang căn cứ không quân Deveselu ở Romania trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Ankara căng thẳng sau vụ đảo chính quân sự bất thành hôm 15/7 vừa qua.

Trong khi giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bình luận về việc di dời số vũ khí hạt nhân, thì Bộ Ngoại giao Romania đã phủ nhận thông tin trên.

Hãng tin Agerpres cuối ngày 18/8 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Romania nêu rõ nước này kiên quyết bác bỏ những thông tin này.

Khi niềm tin bị tổn thương

Trang EurActiv dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên từ Mỹ cho biết, trong bối cảnh quan hệ với Ankara ngày càng xấu, Washington đã bắt tiến hành các quy trình cần thiết để chuyển các vũ khí hạt nhân của Mỹ sang Romania.

Mỹ duy trì khoảng 50 đơn vị hạt nhân chiến thuật ở căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ từ thời Chiến tranh Lạnh, cách biên giới Syria khoảng 100 km. Số vũ khí này được cho là nhằm chống lại Nga theo kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với liên minh quân sự này.

Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi giữa tháng 7, chỉ huy căn cứ Incirlik đã bị bắt giữ vì được cho là tham gia vào âm mưu đảo chính.

Theo nguồn tin, bản thân giới chức Washington thừa nhận việc vận chuyển hơn 50 đầu đạn hạt nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Romania sẽ gặp khó khăn lớn về kỹ thuật, nhưng Mỹ không thể không thực hiện khi mà chính quyền Ankara đã chuyển hướng ngoại giao sang Moscow.

Cảnh báo cơn thịnh nộ từ Nga

Trang EurActiv nhận định, việc Mỹ chuyển vũ khí hạt nhân tới Romania tới gần biên giới của Nga có thể sẽ kích động sự phẫn nộ của Moscow.

Trang tin của châu Âu này cũng nhắc lại thực tế rằng, trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, bất chấp quan hệ hai nước căng thẳng đến đâu, Mỹ cũng chưa từng đưa thành công vũ khí hạt nhân tới sát biên giới Liên Xô.

Không ít chuyên gia phân tích nhận định, việc Mỹ chuyển vũ khí hạt nhân đến Romania hoàn toàn nằm trong tính toán từ trước của Washington.

Người ta cũng nghi ngờ rằng, chính Mỹ đã tung tin cho giới truyền thông về cái gọi là nguy cơ "Mỹ mất khả năng kiểm soát và bảo đảm an ninh cho các vũ khí của nước này tại căn cứ Incirlik sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ".

Bởi lẽ, theo chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ thì xác suất vũ khí hạt nhân lọt vào tay các nhóm khủng bố là bằng "không". Khả năng lớn số bom này được dành để thả từ máy bay.

Với cơ cấu kíp nổ và nguyên tắc hoạt động của chúng, dù có lọt vào tay bọn khủng bố thì vẫn không có vấn đề, vì không thể sử dụng nếu không nắm thông tin bổ sung mã khóa đặc biệt và không có máy bay.

Đáng chú ý, như truyền thông châu Âu đưa tin, địa điểm mà Mỹ chọn để di chuyển vũ khí hạt nhân từ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ tới Romania là căn cứ không quân Deveselu, nơi mà hơn 3 tháng trước, Mỹ đã kích hoạt Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu bất chấp cảnh báo của Nga.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter tuyên bố, việc kích hoạt hệ thống phòng thủ trên Romania cho thấy "Mỹ đã có đủ khả năng để bảo vệ các đồng minh NATO tại châu Âu", và không nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Moscow khẳng định, kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước Nga.

Để đáp trả NATO, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga mới đây tuyên bố quân đội Nga đang phát triển các tên lửa đạn đạo cực mạnh có khả năng "xuyên thủng" hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất của Mỹ hiện nay.

Mới đây, Nga cũng cho tăng cường bảo vệ khu vực sườn phía tây và nam với việc xây dựng 3 sư đoàn mới.

Đánh giá về khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, George Friedman, cựu Giám đốc Tổ chức phân tích tình báo Stratfor, cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại Romania không đủ sức để bảo vệ châu Âu trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện.

Như vậy, nếu việc tăng cường vũ khí hạt nhân tại căn cứ quân sự nằm ở phía Nam Romania là chính xác, Mỹ đã dần thu hẹp mối đe dọa từ các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật của Nga. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên nếu như những ngày tới đây, Moscow sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với hành động hạt nhân của Washington.

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời Tổng thống Ronald Reagan với mục tiêu chính là chống lại Liên Xô. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kế hoạch bị gián đoạn và chỉ được nối lại dưới thời cựu Tổng thống George Bush. Sau nhiều năm lập kế hoạch và tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư, hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ không quân ở Deveselu của Romania.

Hệ thống bao gồm một radar cảm biến mạnh, các thiết bị đánh chặn tên lửa, thiết bị liên lạc. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng bảo vệ lãnh thổ Romania trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Dự kiến, Mỹ cũng sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan và sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại