Thành phố thông minh không thể là “cây đũa thần” giải quyết mọi chuyện

Nguyễn Cường |

Ngày 8/11, HĐND TP.HCM đã tổ chức hội nghị góp ý với nội dung “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”.

Thông minh không phải là mỗi người cầm một điện thoại

Phát biểu tại đây, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh rằng khi triển khai một dự án, TP đều nhận thức rằng phải có ý kiến của người dân.

“Mặc dù đây là công nghệ, nhưng bản chất vẫn là sự tương tác giữa chính quyền với người dân, người dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền” – ông Tuyến cho hay.

Cũng theo ông Tuyến, đề án xây dựng TP.HCM là điều được các lãnh đạo cấp cao rất kỳ vọng, chính vì vậy “nếu không làm là có lỗi với Đảng và Nhà nước”.

Ông khẳng định rằng đề án này có mục đích quan trọng là khơi dậy tiềm năng của TP, đồng thời phát triển đúng với điều kiện và đời sống của người dân.

“Nếu không làm được có nghĩa là đề án đã thất bại” – ông Tuyến nói.

Cũng theo ông Tuyến, đô thị thông minh chỉ là một giải pháp trong “tổng hòa các giải pháp”, vì “đề án này không thể tự mình giải quyết hết mọi chuyện”.

“Đô thị thông minh chỉ là một giải pháp công nghệ, còn nơi này vẫn là thành phố nghĩa tình, có những giúp đỡ đời thường… chứ không phải chỉ biết mỗi người cầm một cái điện thoại”.

Ông còn thừa nhận rằng: “Không thể kỳ vọng tất cả mọi người dân có điện thoại thông minh đều tham gia vào đề án này, do đó TP vẫn sẽ tồn tại song song hai hình thức quản lý”.

“Luôn tồn tại hai hình thức là giấy và trực tuyến chứ chưa thể chấm dứt quản lý thủ công” – ông Tuyến cho hay.

Vị phó chủ tịch TP cũng nhấn mạnh đến việc người dân tiếp nhận đề án ra sao, bởi: “Nếu mua iPhone 10 mà chỉ để nhắn tin thì dù cũng được nhưng không thể khai thác hết giá trị”.

Chính quyền sẽ phục vụ người dân ra sao?

Trước đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng “TP.HCM không thể mãi tự hào là trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước”, bởi với vị trí của mình thành phố phải tính đến tầm khu vực, và xây dựng theo hướng thông minh là một trong nhiều hướng đi.

Tuy nhiên với tình hình thực tế hiện này, ông đề nghị khi xây dựng thành phố thông minh cần chú ý đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Ngay sau đó ông lấy thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế ra làm ví dụ. “Cơ sở hạ tầng đầu tư phải đủ mạnh để thông suốt, phải liên kết với đề án của các bộ ngành đang triển khai để khi kết nối được thuận lợi.

Tiến tới người dân không phải mang theo bất kỳ giấy tờ nào, mà chỉ cần quét một mã vạch là có tất cả, có thể khám bất kỳ cơ sở nào trong nước.

Chúng ta có thể không làm hết được tất cả các lĩnh vực nhưng phải ưu tiên những điều sát sườn, đang gây phiền hà cho người dân” – ông Trí cho hay.

Trong khi đó đại biểu Tăng Hữu Phong nhận định rằng dù hiện nay trình độ người dân đã tiến bộ nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng hết các tiện ích của thành phố thông minh.

Lấy ví dụ về thường mại điện tử, ông nói: “Mình cổ súy nhưng cũng chỉ có một số ít người dân sử dụng, đó là “tầng lớp trên” của xã hội, hay nhân viên văn phòng, còn người dân vẫn chỉ ở mức độ nhất định” – ông nói.

Ngoài ra ông còn nhận định: “Dù có áp dụng mạnh mẽ tới mức độ nào thì cũng sẽ có một bộ phận không tương thích được với đề án này”.

“Khi đó việc tổ chức phục vụ của cơ quan công quyền đối với nhóm dân cư này sẽ như thế nào?” – ông đặt câu hỏi.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về sự tương thích với các thiết bị đang sử dụng, bởi “không phải ai cũng đủ tiền mua được iPhone, samsung”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại